Tiếp sức cho doanh nghiệp tư nhân

Nửa đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 6,42%. Nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7%. Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM (CSID), để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng các ngành công nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ, cũng như đầu tư thêm về trình độ sản xuất và đáp ứng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng năm 2024 vẫn là một năm nhiều biến số do bối cảnh toàn cầu còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới nội tại quốc gia, trong khi nội lực của doanh nghiệp (DN) tư nhân đã bị bào mòn, vì thế cơ quan quản lý cần trợ lực, vun đắp niềm tin để người dân và DN vượt khó.

Cần thêm trợ lực cho doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Quang Vinh.

Cần thêm trợ lực cho doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Quang Vinh.

Về vấn đề này, theo GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cần khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất.

Phân tích các cơ hội và thách thức đối với DN và nhà đầu tư Việt Nam, TS Cấn Văn Lực cho rằng, các động lực tăng trưởng đang phục hồi, dù không đồng đều. Cụ thể, nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa (nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ…) ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, góp phần giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ. Đồng thời, lạm phát tính đến hiện tại tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước và có thể nhích lên một chút trong thời gian tới. Tuy nhiên ông Lực cho rằng lạm phát tăng trong tầm kiểm soát.

Để thúc đẩy tăng trưởng, cũng như nâng sức cạnh tranh cho DN cần, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới giúp ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ phát triển. Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và các lĩnh vực mới nổi như chíp, bán dẫn, AI…).

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, Chính phủ cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong thời gian tới, kịp thời sửa đổi, bổ sung Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để đưa kinh tế Việt Nam hòa vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới. Bộ Công thương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; hỗ trợ DN tận dụng hiệu quả cơ hội và thực hiện đầy đủ cam kết từ các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; tập trung xây dựng hình ảnh DN xuất khẩu Việt Nam uy tín.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tiep-suc-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-10287615.html