'Tiếp sức' cho hành trình thoát nghèo ở Lạng Sơn

Nhờ những mô hình sản xuất hiệu quả và sự đồng hành của Hội LHPN các cấp, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Lạng Sơn đã mạnh dạn đứng lên làm chủ cuộc sống, đóng góp vào công cuộc giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống cho gia đình và cộng đồng.

 Bà Triệu Thị Tiên, thôn Noóc Mò, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, phấn khởi khoe rừng keo của gia đình và niềm vui thoát nghèo

Bà Triệu Thị Tiên, thôn Noóc Mò, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, phấn khởi khoe rừng keo của gia đình và niềm vui thoát nghèo

Thay đổi số phận từ những đồng vốn đầu tiên

Trên con đường ngoằn ngoèo rải sỏi đá từ trung tâm xã Trấn Yên, phải mất cả tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được thôn Noóc Mò. Ở vùng đất heo hút này, vợ chồng ông Đặng Văn Thiều và bà Triệu Thị Tiên (người dân tộc Dao) đã biến những đồi trọc thành những cánh rừng xanh mướt. Từng là hộ nghèo, không có thu nhập ổn định, nay họ là một trong những điển hình vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách.

Bà Triệu Thị Tiên, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt sạm nắng, vừa phát cỏ, vừa chia sẻ trong niềm vui xen lẫn tự hào: "Trước kia, nhà tôi không có gì ngoài sức lao động. Được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 120 triệu đồng, hai vợ chồng bàn nhau đầu tư trồng rừng. Giờ chúng tôi đã có hơn 8ha keo, bạch đàn và quế. Rừng keo hơn 6 năm tuổi sắp tới thu hoạch dự kiến cho thu về hơn 300 triệu đồng".

Không chỉ thoát nghèo, bà Tiên còn góp phần truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trong thôn, mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay, học hỏi mô hình làm ăn mới và dần khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế gia đình.

Sau hơn 10 năm là hộ nghèo, từ sự nỗ lực của gia đình cùng với sự giúp đỡ của chính quyền xã và các cấp hội phụ nữ, đến năm 2024, gia đình chị Bế Thị Hạnh, thôn Áng Mò, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định đã chính thức thoát nghèo.

Nhớ lại những năm tháng vất vả, khó khăn, chị Hạnh không giấu được xúc động: Chồng tôi bị tai nạn mất sức lao động nên từ năm 2016 tôi là lao động chính. Thu nhập của gia đình chủ yếu trông vào hơn 1 ha thạch đen. Từ năm 2017 tôi trồng thêm gần 2.000 cây quế. Do thiếu vốn, kinh nghiệm chăm sóc, nên mô hình không hiệu quả. Đến năm 2020, tôi được Hội LHPN xã đứng ra nhận ủy thác cho tôi vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi đã đầu tư mở rộng số lượng cây quế, thạch, đầu tư kỹ thuật chăm bón. Đến nay, gia đình có gần 6.000 cây quế, hơn 3 ha thạch. Từ năm 2023 đến nay, mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ quế và thạch đen được trên 100 triệu đồng, nhờ đó kinh tế ổn định hơn, đến năm nay đã thoát nghèo.

Năm 2020, được cán bộ Hội LHPN xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định tuyên truyền, hướng dẫn, vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư trồng 1 ha cây ăn quả, chị Nguyễn Thu Hiền, thôn Bản Nằm cho biết, chị đã đầu tư trồng 1 ha cây ăn quả. Sau khi vay vốn, chị Hiền còn được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã phối hợp tổ chức, đồng thời tự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Nhờ đó, diện tích cây ăn quả của gia đình phát triển tốt. Từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình chị Hiền thu được 5 - 6 tấn quả, thu nhập trên 100 triệu đồng.

Được sự "tiếp sức" của đồng vốn chính sách, được sự đồng hành của Hội LHPN các cấp, những người phụ nữ nghèo khó ấy đã đã chăm chỉ, nỗ lực vươn lên, thay đổi cuộc sống cho chính bản thân và gia đình.

Từ nguồn vốn chính sách, nhiều phụ nữ tại Lạng Sơn mạnh dạn vươn lên phát triển kinh tế

Từ nguồn vốn chính sách, nhiều phụ nữ tại Lạng Sơn mạnh dạn vươn lên phát triển kinh tế

Thay đổi nhận thức giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế

Quan tâm triển khai xây dựng mô hình tổ phụ nữ liên kết, tạo sự liên kết gắn bó hỗ trợ nhau trong sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cấp hội chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành tổ chức thực hiện nhiều hoạt động có hiệu quả như: hỗ trợ phụ nữ vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nhau trong đời sống, sản xuất, thực hành tiết kiệm…

Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giao nhiệm vụ cho các cấp hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, dự án giảm nghèo đến các tầng lớp hội viên, phụ nữ, người nghèo và đối tượng thụ hưởng. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước để thoát nghèo; tuyên truyền phổ biến rộng rãi các mô hình kinh tế hiệu quả, các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện giảm nghèo...

Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn tổ chức nhiều chương trình giao lưu, giúp hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng

Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn tổ chức nhiều chương trình giao lưu, giúp hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng

Để giúp chị em có vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hội viên về các chương trình cho vay ưu đãi đến các hội viên, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ để có giải pháp hỗ trợ về vốn vay phù hợp, với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, hằng năm, các cấp Hội phụ nữ còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên. Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội phối hợp tổ chức trên 300 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho hơn 12.000 lượt hội viên tham gia, giúp chị em có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Nhờ công tác tuyên truyền hiệu quả, nhận thức của hội viên được nâng lên, nhiều hội viên mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, đầu tư, xây dựng các mô hình như: trồng, chăm sóc rừng, cây ăn quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm; kinh doanh dịch vụ…

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị - từ cấp ủy, chính quyền đến các tổ chức chính trị – xã hội, không ít gia đình đã vươn lên làm giàu. Từ những đồng vốn đầu tiên đó đã mở ra cho họ một hướng đi mới, góp phần phát triển nông thôn bền vững ở Lạng Sơn.

Phương Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-nguoi-giu-lua-trong-hanh-trinh-vuot-ngheo-tai-lang-son-20250511103913956.htm