Tiếp sức cho niềm đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh

Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh (HS) trung học tại tỉnh Kon Tum được tổ chức hàng năm, là sân chơi bổ ích cho HS trong lứa tuổi trung học. Từ đó, ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum phát hiện và tuyển chọn được nhiều HS có thành tích cao để tham dự tại các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế. Thế nhưng, đa số các sáng tạo chỉ dừng lại ở mức mô hình, ý tưởng, mà không được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.

Một học sinh thuyết trình phần thi của mình tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh thuộc các trường trung học trên địa bàn tỉnh, năm học 2019-2020.

Một học sinh thuyết trình phần thi của mình tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh thuộc các trường trung học trên địa bàn tỉnh, năm học 2019-2020.

Nhiều sáng tạo đột phá

Năm học 2019 - 2020, tỉnh Kon Tum có 42 ý tưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật đoạt giải tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho HS trung học. Trong đó, dự án "Thiết bị phân loại rác thải dựa vào thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo" của hai em Nguyễn Xuân Hiếu và Phan Thị Hương Bình (Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành) là một trong hai dự án đoạt giải nhất. Ý tưởng này xuất phát từ thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay và vấn đề xử lý rác thải vô cùng nan giải. Hai HS đã thực hiện dự án dù không có quá nhiều kiến thức về tự động hóa, hệ thống nhúng hay các hệ thống kỹ thuật khác.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là hai em không biết bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi, Xuân Hiếu và Hương Bình đã tự mày mò, nghiên cứu, cùng với sự hỗ trợ của thầy cô, các anh chị khóa trước, sản phẩm của hai em đã được hoàn thành và đoạt giải cao trong Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh. Đồng thời, dự án này được tỉnh Kon Tum lựa chọn tham dự Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho HS trung học cấp quốc gia. "Em rất vui vì dự án của chúng em đã đoạt được giải cao. Sau khi hoàn thành dự án này, hiện em đang nghiên cứu một dự án mới, đó là một ý tưởng sáng tạo về sản phẩm hỗ trợ cho người khiếm thính và bị câm. Em nghĩ với một dự án hướng tới cộng đồng như vậy thì có thể sẽ được áp dụng rộng rãi vào thực tiễn hơn", em Nguyễn Xuân Hiếu chia sẻ.

Dự án "Máy vớt rác và đưa rác lên bờ bằng năng lượng mặt trời" của hai em Phạm Văn Đạt và Lê Văn Tính (Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Đăk Hà) đã giành được giải Nhì tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Cũng xuất phát từ thực trạng ô nhiễm môi trường, hai em đã sáng chế ra sản phẩm di chuyển trên mặt nước, thu gom rác và đưa rác lên bờ. Điều đáng nói, sản phẩm này được hai em sáng tạo từ khi còn là HS THCS. "Em thấy ở xung quanh nhà, khi rác xuất hiện tại các kênh, mương, ao, hồ thì các cô chú lao công phải vớt và phân loại rất cực khổ. Vì vậy, em sáng chế ra sản phẩm này với mong muốn giúp cho các cô chú bớt vất vả hơn. Em nghĩ sản phẩm vẫn cần được hoàn thiện, đó là chức năng xử lý rác tại chỗ và chôn rác. Tuy nhiên, do vấn đề tài chính quá lớn, chúng em chưa thể thực hiện", em Phạm Văn Đạt trình bày.

Cần nhiều điều kiện để ứng dụng vào thực tiễn

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, từ năm học 2016- 2017 đến nay, đội tuyển HS của tỉnh dự thi Cuộc thi Khoa học kỹ thuật HS trung học cấp quốc gia đoạt 12 giải/17 sản phẩm dự thi, trong đó có 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba và 2 giải Tư. Tuy nhiên, đa số các dự án đều chỉ dừng ở mức ý tưởng, không được ứng dụng vào thực tiễn.

Nhà giáo Ưu tú Phan Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, TP Kon Tum cho biết, tại nhà trường, các Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật đã được phát động từ năm học 2008 - 2009. Đến nay, chỉ có một số sản phẩm được ứng dụng rộng rãi như dự án Rồng Việt 2k9 (năm 2009), Vua Cờ Lau (2013) hay Máy đọc tài liệu dành cho người khiếm thị (2017). Các dự án này đã được chọn tham dự các Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc tế. Trong khi đó, thầy Nguyễn Tiến Định, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho rằng, để có được một dự án khoa học kỹ thuật hoàn hảo, ứng dụng vào thực tiễn, cần có các nhà tài trợ, bởi kinh phí của nhà trường không đủ để hỗ trợ cho các HS. Bên cạnh đó, điều kiện của gia đình các em cũng không khá giả để giúp cho ý tưởng của các em được hoàn thiện.

Ông Đoàn Thành Nhân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, quá trình nghiên cứu khoa học của HS ở trường trung học mang đến cho các em niềm đam mê nghiên cứu, tìm tòi, kết nối được những kiến thức đã học với thực tiễn. Qua đó, tạo động lực, niềm tin để các em tiếp bước vào con đường học tập và nghiên cứu ở bậc học chuyên nghiệp. Kết quả đạt được của các em góp phần định hướng về công tác nghiên cứu khoa học của các nhà quản lý tại các đơn vị, giáo viên và HS có đam mê về nghiên cứu khoa học.

"Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ nhằm động động viên tinh thần và vật chất cho HS tham gia nghiên cứu khoa học và thầy cô giáo hướng dẫn HS nghiên cứu. Đồng thời, Sở có kế hoạch để đẩy mạnh việc ứng dụng các sản phẩm có chất lượng của HS trong cuộc sống", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum Đoàn Thành Nhân nhấn mạnh.

D.TOÁN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_233725_tiep-suc-cho-niem-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-cua-h.aspx