Tiếp sức mạnh mẽ cho các dự án giao thông

TPHCM phải được đầu tư mạnh để giải quyết sớm các điểm nghẽn về hạ tầng, đảm bảo tương xứng với vị thế về kinh tế, địa lý, cũng như phát triển đáp ứng sự kỳ vọng của cả nước.

Hòa trong dòng sự kiện rầm rộ khánh thành, khởi công, động thổ 80 công trình, dự án trên khắp cả nước, TPHCM đã đưa vào sử dụng những công trình hết sức quan trọng. Đó là nhánh hầm chui HC1 tại nút giao An Phú (TP Thủ Đức), từng bước “cởi trói” ùn tắc giao thông tại điểm đầu TPHCM của tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành.

Sở dĩ nói “cởi trói” là do nơi đây suốt thời gian qua trở thành điểm ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng bởi mật độ lưu thông cực lớn giữa thành phố với các tỉnh miền Đông, miền Trung.

Một công trình hết sức có ý nghĩa khác là nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, vốn đầu tư đến 11.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tình trạng “nhộn nhịp trên trời, tắc nghẽn dưới đất”. Trước đó, thành phố đã đưa vào vận hành hàng loạt công trình cầu, đường khác, từng bước giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Đặc biệt, các dự án cầu, đường khác cũng đang được triển khai như đường Vành đai 3, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát… sẽ đem lại hiệu quả cực lớn phát triển kinh tế, xã hội cho TPHCM.

Tất nhiên, trước nhu cầu phát triển, đặc biệt TPHCM sẽ trở thành siêu đô thị sau khi sáp nhập với các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, thì nhiều công trình cần có sự đầu tư thần tốc cho phù hợp trong tình hình mới. Cụ thể, trong nội đô, dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương chỉ còn vướng 1 trường hợp phải đền bù và đó là lý do dự án chưa tổ chức khởi công! Nếu quyết liệt giải tỏa để làm nhanh, đưa vào vận hành tuyến metro số 2 sớm ngày nào sẽ đem lại hiệu quả ngày đó. Hai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và bờ Bắc kênh Đôi… cũng cần có cách làm khác để đẩy nhanh tiến độ. Đó là vừa giải phóng mặt bằng vừa xây dựng, đồng thời mời gọi đầu tư khai thác quỹ đất hai bên bờ kênh, bởi vì người dân sống ven kênh rạch đã chịu đựng ô nhiễm môi trường quá lâu.

Về kết nối với các địa phương sau khi sáp nhập, một dự án trầy trật 22 năm qua, đó mở rộng quốc lộ 13, tuyến đường nối TPHCM với Bình Dương. Theo tờ trình mới đây của Sở GTCC, dự án phải hoàn tất các thủ tục, triển khai giải phóng mặt bằng, dự kiến phải quý 2 sang năm mới khởi công. Nếu vậy quá chậm, bởi vì đây là tuyến đường huyết mạch kết nối giữa TPHCM và Bình Dương, do đó cần phải đầu tư nhanh nhất để tạo thuận tiện đi lại và phát huy hiệu quả giao thương của người dân.

Tương tự, việc mở rộng tuyến cao tốc TPHCM- Long Thành đã trở nên hết sức cấp bách khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhập về TPHCM, và đây cũng là tuyến đường nhanh nhất kết nối giữa hai địa phương. Bao nhiêu năm nay, việc lưu thông trên tuyến cao tốc này thường xuyên bị kẹt xe, kể cả ngày thường lẫn ngày lễ, tết. Mặc dù báo chí đã đề cập rất nhiều, tuy nhiên hiện nay “trái bóng” trách nhiệm vẫn nằm loanh quanh ở chân của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục kiến nghị đơn vị này là cơ quan chủ quản thực hiện dự án mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành. Dự án thì hoành tráng, mở rộng lên 8-10 làn xe, tùy theo đoạn, nhưng lâu nay không bố trí được vốn nên chưa tiến hành khởi công. Việc chậm trễ thực hiện dự án sẽ đối mặt với nạn kẹt xe nhiều hơn khi sắp tới tần suất lưu thông tăng lên gấp nhiều lần: sân bay Long Thành đi vào hoạt động và nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về TPHCM.

Qua các vấn đề trên cho thấy TPHCM có nhiều dự án phải thực hiện gấp rút. Trong bối cảnh mới với quy mô mới thì cần phải có tầm nhìn mới và cách làm mới về hạ tầng mới đáp ứng thực tế. TPHCM phải được đầu tư mạnh để giải quyết sớm các điểm nghẽn về hạ tầng, đảm bảo tương xứng với vị thế về kinh tế, địa lý, cũng như phát triển đáp ứng sự kỳ vọng của cả nước.

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiep-suc-manh-me-cho-cac-du-an-giao-thong-post791822.html