TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ ĐẢM BẢO CHẶT CHẼ, KHOA HỌC, DỄ HIỂU, DỄ THỰC HIỆN

Chiều 24/10, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 06 chương với 34 điều. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo ngay trong nội dung giải thích, bảo đảm thống nhất với khái niệm “Khu quân sự” (KQS) và các nội dung của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉnh lý lại khái niệm công trình quốc phòng (CTQP) là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc; CTQP có thể nằm trong hoặc ngoài KQS.

Bên cạnh đó, để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đề nghị chỉnh lý lại khái niệm này như sau: “KQS là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng”…

Về khái niệm “Kho đạn dược”, hủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, khái niệm này được kế thừa quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP ngày 04/12/2006 của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý đã được áp dụng thống nhất và về cơ bản còn phù hợp. Kho đạn dược là CTQP, KQS, dạng đặc biệt của kho vũ khí quân dụng, nơi cất giữ, sản xuất, sửa chữa, xử lý đạn dược, vật liệu nổ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao khi xảy ra sự cố, do đó cần có quy định về quản lý, bảo vệ riêng biệt, cụ thể, nghiêm ngặt hơn. Như vậy, quy định như dự thảo Luật không trái với quy định về kho vũ khí tại Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm tính khái quát, phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ kho đạn dược, UBTVQH đề nghị chỉnh lý khái niệm “Kho đạn dược” như dự thảo Luật trình Quốc hội.

Liên quan đến nội dung về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm CTQP và KQS để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện. Theo đó, việc phân loại, phân nhóm CTQP và KQS được quy định tại 2 điều: Điều 5 quy định CTQP và KQS được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng; Điều 6 quy định CTQP và KQS được phân nhóm theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ như dự thảo Luật trình Quốc hội.

Đối với nội dung về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, thống nhất các nội dung về chuyển mục đích sử dụng đất trong dự thảo Luật này và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại các Điều 124, 201 và Điều 211, trong đó có việc chuyển mục đích CTQP gắn với chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích khác để thống nhất với dự thảo Luật này.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Đồng thời đề nghị cho sửa khoản 2, bổ sung tại khoản 4, Điều 12 quy định trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng CTQP, KQS theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất để thiết lập KQS ở vị trí mới phù hợp với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng được thường xuyên, liên tục không bị gián đoạn; quy định cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư thực hiện dự án phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ để xây dựng CTQP, thiết lập KQS ở vị trí mới, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Đối với quy định về công trình lưỡng dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, công trình lưỡng dụng quy định trong dự thảo Luật là công trình kết hợp quốc phòn với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng quy định tại Điều 15 Luật Quốc phòng; sân bay mang tính lưỡng dụng là một loại của công trình lưỡng dụng và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng được thực hiện theo các quy định tại khoản 6 Điều này; việc quy định 01 Điều về công trình lưỡng dụng trong dự thảo Luật là phù hợp, làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị, tính năng của loại hình công trình này.

Trong trường hợp phá dỡ CTQP được thực hiện khi CTQP đó không phù hợp để sử dụng cho dự án phát triển kinh tế - xã hội, chủ đầu tư dự án không có nhu cầu sử dụng hoặc CTQP buộc phải phá dỡ để bảo đảm bí mật quân sự. Thẩm quyền phá dỡ CTQP do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định nhưng việc chuyển mục đích sử dụng diện tích đất quốc phòng nơi có CTQP bị phá dỡ sang mục đích khác vẫn do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó, UBTVQH đề nghị cho giữ như dự thảo Luật…

Ngoài ra, về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, để đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đề nghị Quốc hội cho quy định khoản 2 thành 2 điểm như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, UBTVQH cũng đã chỉnh lý khoản 9 Điều này theo hướng quy định cụ thể về quản lý hoạt động, đi lại, cư trú của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong phạm vi bảo vệ CTQP và KQS phù hợp với quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ và tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Qua rà soát, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “trùng tu, sửa chữa các công trình văn hóa, di tích lịch sử” trước cụm từ “vật kiến trúc” tại điểm b khoản 3, Điều 18; bổ sung, chỉnh lý khoản 10 như sau: “Chính phủ quy định, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cho phép các hoạt động được thực hiện trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trừ quy định về thẩm quyền tại điểm b khoản 4, điểm c khoản 6 và khoản 9 Điều này. Việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc Nhóm đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định.”...

UBTVQH cũng đề nghị Quốc hội cho bổ sung tại khoản 1 quy định các trường hợp công trình, vật kiến trúc phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng sang quốc phòng hoặc di dời, phá dỡ để bảo đảm an toàn cho CTQP và KQS. Đồng thời, cho chỉnh lý, sắp xếp một số nội dung để bảo đảm vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo vệ CTQP và KQS, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong phạm vi bảo vệ CTQP và KQS; bổ sung khoản 4 quy định về “trách nhiệm xử lý công trình, vật kiến trúc, diện tích mặt đất, mặt nước” và khoản 6 giao Chính phủ quy định về lộ trình xử lý công trình, vật kiến trúc, diện tích mặt đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ CTQP và KQS quy định tại Điều này để bảo đảm chặt chẽ, khả thi./.

Thu Phương - Nghĩa Đức - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81290