Tiếp thu tối đa các ý kiến về đổi mới hoạt động giám sát

Chiều 24/02 tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Ban chỉ đạo 'Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội' chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban chỉ đạo để tiếp thu, giải trình ý kiến của các chuyên gia tại buổi Tọa đàm mới đây về dự thảo Đề án.

Trên tinh thần tiếp thu tối đa, các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình góp ý của các chuyên gia về chương trình giám sát; việc xem xét các báo cáo; chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề; việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho ý kiến về thành lập Ủy ban lâm thời; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri; việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề; về công tác bảo đảm; kiến nghị sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng dữ liệu hiện nay cho dự thảo Đề án không thiếu nhưng vấn đề quan trọng nhất là tiếp thu tối đa, giải trình hợp lý. Trưởng Ban chỉ đạo Đề án gợi mở, dự thảo có thể tiếp cận theo chủ thể giám sát, với 2 chủ thể chính gồm: Giám sát tối cao của Quốc hôi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án cũng yêu cầu tiếp tục làm rõ việc tiếp cận theo hướng đánh giá cả thực trạng và giải pháp, việc xác định nội dung, đối tượng chịu sự giám sát đã phù hợp hay chưa, cũng như phương thức quy trình thủ tục. Hoạt động giám sát cần gắn với 2 chức năng khác của Quốc hội là lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước./.

Thực hiện : Khắc Phục Hồng Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tiep-thu-toi-da-cac-y-kien-ve-doi-moi-hoat-dong-giam-sat