Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng năng lực cạnh tranh quốc gia

Dù nhiều chỉ tiêu của 4 tháng đầu năm 2023 đã có chuyển biến, có tín hiệu và xu hướng khả quan, đạt kết quả đáng khích lệ, song Ủy ban Kinh tế lưu ý cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng

Báo cáo tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2023, Chính phủ đánh giá đã đạt nhiều kết quả tích cực. Điều này thể hiện trong một số lĩnh vực cụ thể gồm:

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh truyền nhiễm mới có thể xảy ra. Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở khám, chữa bệnh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị vật tư y tế tại các bệnh viện; ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân trong tình hình mới.

Tiếp tục chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý để phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững các loại thị trường. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật, Nghị quyết, nhất là về đất đai, tổ chức tín dụng, chuyển đổi số, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ người tiêu dùng, cơ chế, chính sách đặc thù... để trình Quốc hội. Tập trung hoàn thiện để khẩn trương ban hành Quy hoạch điện VIII, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp ổn định; khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 04 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 04 tháng tăng 12,8%. Ngành du lịch tiếp tục phục hồi mạnh; khách quốc tế đến nước ta 04 tháng ước đạt gần 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, các tuyến đường cao tốc, đường ven biển và các dự án quan trọng quốc gia; đã kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn.

Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền được quan tâm, đẩy mạnh. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân. Tình hình lao động, việc làm quý I phục hồi tích cực; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, thu nhập của lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Quốc phòng an ninh được bảo đảm; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa; bảo đảm an toàn giao thông; xử lý nghiêm các hành vi tung tin xấu, tin giả, lừa đảo qua mạng; triệt phá đường dây vận chuyển ma túy lớn qua đường hàng không; tiếp tục làm tốt công tác ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen; công tác phòng cháy, chữa cháy; tập trung hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy.

Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực; tham gia đóng góp hiệu quả hơn cho các quan tâm của quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh đất nước. Công tác ngoại giao kinh tế đóng góp thiết thực vào thúc đẩy hợp tác thực chất với các đối tác; công tác nghiên cứu tham mưu trước những xu hướng lớn của kinh tế thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút FDI được triển khai hiệu quả.

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, tăng trưởng kinh tế quý I.2023 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%). Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn. Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm 0,41 điểm % so với cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao, bình quân là 9,56%/năm.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tính chung 04 tháng đều giảm, nhất là xuất khẩu sang các thị trường lớn , xuất khẩu sang Trung Quốc 04 tháng giảm 7,9%, trong khi nền kinh tế nước này phục hồi khá tích cực.

Thị trường nội địa chưa thực sự được quản lý, khai thác hiệu quả. Một số sự việc gần đây về hoạt động tư vấn, hợp đồng, phân phối bảo hiểm nhân thọ là vấn đề có tính hệ thống của thị trường.

Chính phủ nhận định, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng khi tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm… khả năng sẽ tác động đến thu ngân sách Nhà nước ngay trong quý II và cả năm. Điều hành chính sách tiền tệ có thể khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ, EU sẽ phức tạp, khó dự báo hơn. Xuất nhập khẩu, thu hút FDI gặp nhiều thách thức khi hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu, dòng vốn FDI toàn cầu thu hẹp, áp lực cạnh tranh gia tăng.

Đồng thời, điều hành giá chịu áp lực lớn hơn trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng sắp tới, cùng với việc dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tạo áp lực lên đến lạm phát. Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng ảnh hưởng tới mục tiêu thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân và chính sách an sinh xã hội. Rủi ro dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến trái quy luật, khó dự báo, an ninh kinh tế, an ninh mạng, bạo lực học đường phức tạp,… tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm.

Chậm xử lý các tồn tại, tạo điểm nghẽn đối với nền kinh tế

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Kinh tế lưu ý, tăng trưởng GDP quý I.2023 chỉ đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện bình thường. Thêm vào đó, mức tăng trưởng này trên cơ sở nền thấp của quý I.2022 khi nền kinh tế lúc đó vẫn đang chịu tác động bởi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19. Như vậy, số liệu tăng trưởng chung của quý I cho thấy nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn. Triển vọng tăng trưởng GDP quý II.2023 khó đột phá khi kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục triển vọng thiếu tích cực.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV.2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, tăng trưởng GDP Quý I.2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn. Tổng cầu yếu đã ảnh hưởng trực tiếp lên tổng cung của nền kinh tế. Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận mức giảm. Khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp khi tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng.

Trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn, số liệu về lao động, việc làm lại có những cải thiện với tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm giảm, thu nhập tăng, đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn tình hình lao động, việc làm trong Quý I.2023 và làm rõ nhận định tình hình lao động, việc làm có mâu thuẫn với số liệu về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, hoạt động doanh nghiệp.

Thứ hai, bên cạnh những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới và trong nước, Ủy ban Kinh tế lưu ý, doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông, thị trường xăng dầu đôi lúc còn điều hành, phối kết hợp chưa kịp thời, dẫn đến thiếu cục bộ, việc tăng giá điện gần đây cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp.

Thứ ba, nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý đã tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế. Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm. Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu, đến nay vẫn còn 93/111 quy hoạch, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng như Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện VIII… chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt. Giải ngân đầu tư công tuy cải thiện song vẫn chậm tạo áp lực lớn lên giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023.

Thứ tư, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao và tín dụng tăng trưởng thấp, cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nợ xấu có xu hướng tăng, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tài chính. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ngân hàng thương mại lãi cao, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng so với năm 2021, tuy nhiên nếu tình hình kinh tế không được cải thiện thì nợ xấu sẽ tăng và nănglực tài chính của các ngân hàng thương mại sẽ bị bào mòn.

Công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính còn nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, thị trường bảo hiểm.

Thứ năm, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được quan tâm thực hiện nhưng công tác thực thi hiệu quả không đồng đều. Với nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, hệ thống pháp luật đã được tích cực rà soát, hoàn thiện trong những năm qua. Đồng thời, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết với những chính sách chưa có tiền lệ để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hoặc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn cho thấy cùng một hệ thống quy định pháp luật nhưng giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện đem lại kết quả rất khác nhau, ví dụ như vấn đề đầu tư công có bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, có bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt.

Ủy ban Kinh tế nhận định, những khó khăn, thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt đến từ cả yếu tố bên ngoài và bên trong, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đối với các nguyên nhân nội tại của nền kinh tế, có ý kiến cho rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần được quan tâm hơn; cách thức làm việc theo tư tưởng kiến tạo, tinh thần phục vụ, tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đồng hành với doanh nghiệp bị thay thế bởi cách thức thiên về kiểm tra, kiểm soát, can thiệp hành chính chủ quan, coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý… đã tác động hết sức tiêu cực đến hoạt động, sản xuất kinh doanh. Đây chính là những nút thắt gây đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ báo cáo, làm rõ vấn đề này, nhất là nguyên nhân, trách nhiệm để có giải pháp phù hợp.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tiep-tuc-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-nang-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia-i327201/