Tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán, thanh tra công vụ

Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định cơ chế hiện tại về quy trình, quy chế trong hoạt động kiểm toán cũng đã tương đối đầy đủ để kiểm soát tình trạng tiêu cực trong nội bộ ngành...

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.

ĐẨY MẠNH GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG KIỂM TOÁN

Liên quan đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong ngành kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thừa nhận có tình trạng tham nhũng tiêu cực, nhưng rất ít, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Kiểm toán nhà nước kiên quyết loại bỏ những “con sâu” này để giữ được đạo đức chuẩn mực.

Trong Điều 8 của Luật Kiểm toán cũng đã ghi rất rõ những hành vi không được làm, bị nghiêm cấm đối với Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước. Trong hoạt động của mình, kiểm toán có những chuẩn mực về công vụ. Trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ. Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.

Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định cơ chế hiện tại về quy trình, quy chế trong hoạt động kiểm toán cũng đã tương đối đầy đủ để kiểm soát tình trạng tiêu cực trong nội bộ ngành. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán, thanh tra công vụ.

Về giải pháp đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực, mà không giảm tính năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng cần làm tốt 3 việc.

Một là,xây dựng được thiết kế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng;

Hai là, xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh, để không dám tham nhũng;

Ba là, xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn, không cần tham nhũng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ thời gian tới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm, nâng cao trình độ năng lực; đặc biệt là hoàn thiện thể chế để quy định rõ từng nhiệm vụ của từng công chức; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, lượng hóa công tác đánh giá…

TẬP TRUNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đối với hệ thống kiểm toán, chúng ta có 2 hệ thống kiểm toán.

Thứ nhất, Kiểm toán nhà nước là cơ quan kiểm toán độc lập, do Quốc hội thành lập và thực hiện theo pháp luật. Kiểm toán nhà nước với nguyên tắc và phạm vi thực hiện sẽ tiến hành hoạt động kiểm toán đối với những đơn vị có tài sản, có tiền của nhà nước.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước có quy trình chặt chẽ, chất lượng tốt; việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong kiểm toán đang được thực hiện rất nổi trội. Đây là một trong những cơ quan hàng đầu trong thực hiện kiểm toán và thanh tra về đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên chất vấn 5/6. Ảnh: SGGP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên chất vấn 5/6. Ảnh: SGGP.

Thứ hai là hệ thống kiểm toán độc lập, thực hiện theo Luật Kiểm toán độc lập, cung cấp các dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp. Tổ chức cung cấp dịch vụ này gồm những người hành nghề kiểm toán độc lập; doanh nghiệp kiểm toán độc lập; các doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh kiểm toán đặt tại Việt Nam. Những đối tượng này sẽ thực hiện hợp đồng kiểm toán để thực hiện dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính; kiểm toán dự án đầu tư hoặc kiểm toán một công việc mà do doanh nghiệp thuê. Kiểm toán độc lập sẽ phối hợp với Kiểm toán nhà nước thông qua vấn đề hợp đồng, trưng dụng để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước.

Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán nhà nước về quản lý chất lượng kiểm toán. Bộ không trực tiếp thực hiện kiểm toán. Theo đó, Bộ Tài chính quản lý chất lượng kiểm toán thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, ban hành chiến lược, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kiểm toán này.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong 2 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán; kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán. Đến năm 2024, Bộ đã đưa ra kế hoạch sẽ thực hiện kiểm tra 20 đến 24 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán.

Như vây, Bộ Tài chính đã tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập thông qua bồi dưỡng, tập huấn, cấp phép và thanh tra, kiểm tra đúng theo quy định của pháp luật.

An Nhiên

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tiep-tuc-day-manh-vai-tro-cua-thanh-tra-kiem-toan-thanh-tra-cong-vu.htm