Tiếp tục đề xuất duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Sáng 6-4, tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hội nghị tiến hành thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Quy định cụ thể để điều hành hiệu quả giá cả
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về dự án Luật Giá (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, về bình ổn giá, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành và dự thảo luật đã quy định: Trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, Ủy ban đề nghị cho giữ như quy định của luật hiện hành.
Nhiều ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trong trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ này.
Về thẩm định giá, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã bổ sung quy định về chuẩn mực thẩm định giá; chỉnh lý quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức liên quan trong đào tạo, thi, cấp, quản lý, thu hồi chứng chỉ và thẻ thẩm định viên về giá, đăng ký hành nghề thẩm định giá, bảo đảm cơ sở pháp lý, tính bao quát…
Thảo luận về dự thảo luật, một số đại biểu chỉ ra rằng, định nghĩa về yếu tố hình thành giá trong dự thảo luật đang ngược với logic hình thành giá. Các đại biểu đề nghị quy định cơ sở hình thành giá là quan hệ cung cầu và thu nhập, khả năng chi trả của người tiêu dùng thể hiện ở số người cung cấp hàng hóa, dịch vụ ở quy mô thị trường. Theo đó, thị trường có rất nhiều người bán khác với một số người bán và một người bán; đó là thị trường cạnh tranh, thị trường cạnh tranh hạn chế và thị trường độc quyền. Giá của ba loại thị trường này hình thành khác nhau, quy mô của người mua và khả năng người mua khác nhau.
Về quỹ bình ổn giá, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) tán thành với quy định trong dự thảo luật, tuy nhiên, quá trình thực hiện cần có sự đổi mới để đảm bảo tính công bằng, minh bạch khi áp dụng luật. Còn đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) đề nghị dự thảo luật cần quy định kịp thời xây dựng các kịch bản điều hành giá chủ động, linh hoạt đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, trong dự thảo Luật, những quy định về giá dịch vụ y tế rất mờ nhạt hoặc gần như không được đề cập. Trong khi đó, vấn đề liên quan đến giá cực kỳ phức tạp, là thành tố quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực. “Đề nghị quy định cụ thể vấn đề về giá dịch vụ y tế vào dự thảo Luật này”, đại biểu nói.
Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, về danh mục bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị giữ 8 mặt hàng trong luật này. Đối với các mặt hàng khác được các đại biểu nêu như điện, khí, dầu mỏ, muối, đường, thức ăn chăn nuôi… đã được quy định ở luật chuyên ngành và trong quá trình tổ chức thực hiện có sự tham chiếu.
Xác định rõ giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, Thường trực Ủy ban đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng thực tiễn triển khai tại Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thấy rằng dự thảo Luật đã quy định tương đối rõ ràng việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước; đồng thời chỉnh lý, quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.
Về phân công quản lý nhà nước với dịch vụ tin cậy, Thường trực Ủy ban đề nghị chỉ giao một cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin cậy, trong đó bao gồm dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính nguyên vẹn của thông điệp dữ liệu; bổ sung nội dung chuyển tiếp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại…
Khẳng định đây là dự án luật được coi là “Hiến pháp” của chuyển đổi số, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho biết, qua rà soát, có nhiều vấn đề liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, nên cần cân nhắc tính khả thi của những quy định trong dự thảo luật. Đại biểu cho rằng, điều quan trọng nhất là phải xác định được giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử để khi luật đi vào thực tiễn sẽ tạo sự thuận tiện, không phát sinh thủ tục, không phát sinh các chi phí về bộ máy, chi phí về con người, chi phí về thiết bị…
Về tổng thể, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) đề nghị tiếp tục nghiên cứu rà soát kĩ về ngôn ngữ kĩ thuật lập pháp, khái niệm từ ngữ để người dân hiểu và thực hiện thuận lợi; đồng thời, tiếp tục rà soát kĩ hơn để bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan.
Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị bổ sung làm rõ dự Luật theo hướng bên cạnh quy định về việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, còn quy định về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt, các khâu đoạn trong quá trình từ khi giao dịch được hình thành cho đến khi giao dịch chấm dứt.
Báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về phạm vi điều chỉnh, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là dựa trên cơ sở kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam đã sẵn sàng, đảm bảo tin cậy. Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định pháp lý cần thiết để quy định về việc giao dịch điện tử mở rộng.
Phát biểu kết luận các phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, sau khi tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ năm, bảo đảm chất lượng, đúng thời gian quy định.