Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng trưởng bền vững

Giữ vai trò quan trọng trong ổn định nền kinh tế, đóng góp không nhỏ vào thu ngân sách và tạo việc làm cho người lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trên địa bàn Vĩnh Phúc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh thông qua nhiều cơ chế chính sách, các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Sự hỗ trợ kịp thời, cộng với tinh thần vượt khó, nỗ lực của chính mình đã giúp DNVVN từng bước lớn mạnh cả về quy mô, số lượng, giúp cải thiện đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Công ty TNHH Công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang) đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy. Ảnh: Thế Hùng

Công ty TNHH Công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang) đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy. Ảnh: Thế Hùng

Khắc phục cơ bản tình trạng DN gặp khó khăn trong tiếp cận các thông tin pháp lý, tăng năng lực cạnh tranh công bằng cho các DN, ngày 31/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3400 về Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNVVN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

Việc ban hành chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNVVN không chỉ đảm bảo hoạt động hỗ trợ pháp lý kịp thời, đồng bộ, đi vào thực chất, mà còn nâng cao năng lực quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với DN, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng để phát triển và thu hút đầu tư.

Cùng với đó, tỉnh không ngừng tìm kiếm và đề xuất các giải pháp hữu ích trong công tác cải thiện chỉ số “Chính sách hỗ trợ DN”, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Theo thống kê, Vĩnh Phúc hiện có trên 15.000 DN, trong đó có hơn 9.500 DN đang hoạt động, chủ yếu là DNVVN. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, các DN được hưởng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển DN của tỉnh, nhất là điều kiện về mặt bằng, cơ sở hạ tầng, vốn…

Để DN tiếp cận thông tin thị trường trong nước và quốc tế, từ đó, định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh chỉ đạo nâng cấp giao diện Cổng Thông tin- Giao tiếp điện tử và cổng thông tin điện tử các sở, ngành, huyện, thành phố; công khai công tác quy hoạch, cơ chế hỗ trợ DN, quảng cáo miễn phí…; Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương kết nối trong và ngoài nước.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ cho hơn 3.300 DN vay vốn, với dư nợ gần 50.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ; trong đó, cho vay DNVVN đạt 22.000 tỷ đồng.

Nhờ các chính sách trợ lực kịp thời, hàng trăm DN đã quay trở lại thị trường sau thời gian bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ; nhiều DN tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất; chỉ số sử dụng lao động của các DN tăng 3%; sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng, doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 1,4% so cùng kỳ.

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN, UBND tỉnh chỉ đạo Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN cấp bảo lãnh tín dụng đối với DN; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của DN để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng…..

Để DN từng bước đáp ứng xu thế phát triển, cuối năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ DNVVN với mục tiêu năm 2025 phấn đấu có 100% DN thành lập mới được phổ biến, nhận thức về chuyển đổi số, trong đó, tỷ lệ DN sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.

Công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Tân Việt, phường Định Trung (Vĩnh Yên) được hỗ trợ đầu tư máy móc hiện đại sản xuất công nghiệp phụ trợ, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Thế Hùng

Công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Tân Việt, phường Định Trung (Vĩnh Yên) được hỗ trợ đầu tư máy móc hiện đại sản xuất công nghiệp phụ trợ, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Thế Hùng

Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ DNVVN trên địa bàn tỉnh năm 2023, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ cho các chương trình tư vấn, phát triển nguồn nhân lực; kỹ thuật, công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, chuyển đổi hình thức kinh doanh… với tổng nguồn lên tới trên 53,3 tỷ đồng.

Trong đó, thực hiện mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2022 -2025 mỗi năm có từ 1.300 - 1.500 DN được thành lập mới, tháng 4/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách đặc thù hỗ trợ DN thành lập mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ DN thành lập mới giai đoạn 2023-2025 lên tới gần 7.000 tỷ đồng.

Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc triển khai Đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất xác định đối tượng ưu tiên của Đề án để đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách; chủ động thông tin đến các DN về các nội dung, chính sách của Đề án.

Giao Hiệp hội DN tỉnh tuyên truyền phổ biến đến hội viên về các nội dung, chính sách, thực hiện việc kết nối cộng đồng DN tham gia triển khai thực hiện Đề án; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của DN, phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh về giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường tốt nhất cho DN hoạt động và phát triển.

Đặc biệt, đồng chí Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành chủ động đề xuất phương án xử lý, khắc phục các dự án sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường ngoài khu, cụm công nghiệp.

Những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển DN đã, đang được ban hành, triển khai đã giúp các DN, nhất là DNVVN của tỉnh từng bước vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, hội nhập và bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tiếp tục giữ vững vai trò chủ đạo trong ổn định nền kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Anh Tú

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95445//tiep-tuc-ho-tro-doanh-nghiep-vua-va-nho-de-tang-truong-ben-vung