Tiếp tục hoàn thiện pháp luật cho thị trường giao dịch hàng hóa tương lai

Giao dịch hàng hóa tương lai còn mới và chưa phát triển ở nước ta, nên pháp luật điều chỉnh với hoạt động này chưa phát huy hiệu quả, trong khi đó trên thế giới, pháp luật về hoạt động này đã đầy đủ và đồng bộ.

Do vậy, các đại biểu tham dự Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức nhấn mạnh, việc hoàn thiện pháp luật cho thị trường giao dịch hàng hóa tương lai là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Giao dịch hàng hóa tương lai được điều chỉnh khá sớm bởi luật

Thị trường giao dịch hàng hóa tương lai được áp dụng phổ biến trên thế giới từ lâu, nên đã có quy định pháp luật đầy đủ và đồng bộ. Thị trường này được quan tâm phát triển ở nhiều quốc gia, thậm chí như Malaysia chỉ có một hàng hóa giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa tương lai (dầu cọ), vì sàn giao dịch này tổ chức cho các giao dịch hàng hóa trong hiện tại và tương lai, có cả giao dịch thực và giao dịch mua khống, bán khống và công cụ quản lý rủi ro giao dịch. Các loại rủi ro thị trường, giao dịch, kỹ thuật có thể xảy ra nhưng lợi nhuận sẽ rất lớn nên thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia.

Qua nhiều năm hình thành và phát triển, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, hiện nhiều sàn (sở) giao dịch được hình thành trong lịch sử trở thành nơi phản ánh giá quốc tế hàng hóa như sàn giao dịch Chicago, London, Singapore…

Nắm bắt xu hướng của giao dịch hàng hóa trên thế giới, ngay từ quá trình xây dựng Luật Thương mại năm 2005, các cơ quan chức năng đã tham khảo kinh nghiệm nhiều nước để đưa quy định về giao dịch hàng hóa tương lại tập trung tại một mục thuộc Chương II. Thực hiện quy định tại Luật Thương mại, theo nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương Phạm Đình Thưởng, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) và các sàn giao dịch hàng hóa cấp doanh nghiệp hoặc tổ chức được thành lập và hoạt động theo đúng luật pháp trong nước, thông lệ quốc tế. Các đơn vị thực hiện giao dịch hàng hóa tương lai tập trung nêu trên không thủ tiêu cạnh tranh để dẫn đến độc quyền, trong khi vẫn tạo mạng lưới hoạt động thống nhất, giúp các đối tượng tham gia tránh được rủi ro từ biến động bất ổn trên thị trường truyền thống.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đánh giá, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã cung cấp hệ thống giao dịch tiêu chuẩn quốc tế, các công cụ bảo hiểm rủi ro về giá nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia thị trường. Đặc biệt, trong những năm gần đây, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 51/2018/NĐ-CP cho phép đơn vị này liên thông với thị trường giao dịch hàng hóa quốc tế, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, cải thiện chất lượng, góp phần mở rộng quy mô thị trường.

Với những kết quả đạt được của các đơn vị giao dịch hàng hóa tương lai, các chuyên gia tham dự Hội thảo cho rằng, Chính phủ cần đánh giá đúng vai trò, những lợi ích, từ đó quan tâm ủng hộ hơn tới sự phát triển của thị trường này. Dẫn chứng cho đề nghị này, ông Phạm Đình Thưởng nêu rõ, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch và việc thành lập sở giao dịch đã được Luật Thương mại quy định từ năm 2005, nhưng ngoài Nghị định 51/2018/NĐ-CP được ban hành cho phép liên thông với nước ngoài, trong nhiều năm chưa có hành động cụ thể từ các cơ quan thi hành Luật thể hiện chủ trương phát triển thị trường này. Trong khi đó, kinh nghiệm của nhiều quốc gia có điều kiện tương tự Việt Nam cho thấy, để hình thành được các sở giao dịch hàng hóa tương lai thực sự, không thể thiếu sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Hoàn thiện thể chế là giải pháp rất quan trọng

TS. Nguyễn Thị Yến, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, giao dịch hàng hóa tương lai có lịch sử phát triển khá lâu, nhưng giao dịch hàng hóa tương lai qua sở giao dịch hàng hóa vẫn rất mới và chưa phát triển ở Việt Nam. Pháp luật về giao dịch hàng hóa tương lai qua sở giao dịch hàng hóa của nước ta cũng vì thế mà chưa phát huy hiệu quả điều chỉnh, trong khi đối với thế giới, pháp luật về hoạt động này đã đầy đủ và đồng bộ.

Trong Đề án Định hướng, Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định rõ nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử và một số luật liên quan. Thực hiện quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành kế hoạch rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại hiện hành, trong đó có sửa đổi chế định hàng hóa. Và, để quản lý, vận hành thị trường giao dịch hàng hóa tương lai bền vững cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp thể chế là giải pháp rất quan trọng.

Tuy nhiên, hoàn thiện pháp luật để bảo đảm phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tương lai theo hướng nào là vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra tại Hội thảo. Bởi, hiện nay, tùy từng quốc gia mà pháp luật về giao dịch hàng hóa tương lai qua sở giao dịch hàng hóa được quy định khác nhau.

Từ góc độ đơn vị trực tiếp thực hiện, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam Vũ Thu Thủy cho biết, do được ban hành cũng đã khá lâu, đồng thời thị trường giao dịch hàng tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã có những bước phát triển mạnh nên một số thuật ngữ, khái niệm hoặc loại hợp đồng cơ bản có tính chất chi phối hoạt động này tại Luật Thương mại chưa được đề cặp hoặc đã không còn phù hợp với thực tiễn. Chức năng của Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam được quy định tại Luật Thương mại chưa bao quát hết các khía cạnh để các đơn vị này có thể vận hành hiệu quả. Ngoài ra, các quy định hiện hành phân cấp cho Sở Giao dịch hàng hóa xét duyệt và phê duyệt thành viên kinh doanh và thành viên môi giới tại Sở Giao dịch hàng hóa… là chưa phù hợp với điều kiện thị trường chính thống còn non trẻ như nước ta.

Bà Vũ Thu Thủy cho biết, từ thời điểm được cấp giấy phép thành lập năm 2010 đến nay, hoạt động Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam chưa được quy định mã ngành, nghề kinh tế riêng. Việc sử dụng mã ngành 4610 dành cho đại lý, môi giới, đấu giá hiện nay không đúng với bản chất hoạt động kinh doanh này, làm phát sinh một số tồn tại và có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn ở nhiều mặt. Do vậy, để hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ta phát triển bền vững, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả và đóng góp ngày nhiều cho nền kinh tế, bà Vũ Thu Thủy đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sớm sửa đổi Luật Thương mại, các luật liên quan, cũng như các nghị định, thông tư điều chỉnh đối với hoạt động này.

Trước thực tế có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thị trường giao dịch hàng hóa tương lai, nhưng vẫn có một số vấn đề chưa được điều chỉnh, hoặc nếu có quy định cũng chưa đồng bộ, thiếu cụ thể, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp bộ “Hoàn thiện pháp luật bảo đảm sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai trong bối cảnh cam kết của Việt Nam theo các hiệp định EVFTA và CPTPP” cần nghiên cứu đề xuất cụ thể những đạo luật nào cần sửa đổi, bổ sung, thậm chí đề xuất sửa đổi đến từng điều khoản cụ thể. Mặt khác, do giao dịch hàng hóa tương lai liên quan đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân tham gia, nên theo nguyên Phó Chủ nhiệm Đặng Đình Luyến, không thể điều chỉnh bởi văn bản dưới luật, mà cần nghiên cứu xây dựng đạo luật riêng với giao dịch hàng hóa tương lai, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và thực hiện Luật Giao dịch điện tử.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tiep-tuc-hoan-thien-phap-luat-cho-thi-truong-giao-dich-hang-hoa-tuong-lai-i324127/