Tiếp tục hoàn thiện pháp lý hỗ trợ Quỹ tín dụng phát triển

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước các khu vực và Quỹ Tín dụng Nhân dân ở các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, góp ý hoàn thiện Đề án cơ cấu Quỹ và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Ngày 11/7, tại TP. Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Đề án Cơ cấu lại tổng thể hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân (Quỹ Tín dụng) và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 20252030, định hướng đến năm 2045. Đây là hội thảo thứ 2 tiếp nối hội thảo tổ chức tại khu vực phía Bắc cách đây một tuần để nhà quản lý thu nhận những ý kiến đa chiều về thực tiễn để hoàn thiện nội dung đề án.

Tại Cần Thơ, hội thảo do Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ và ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đồng chủ trì. Ngoài ra, Hội thảo kết nối trực tuyến đến các điểm cầu ở NHNN khu vực các tỉnh phía Nam thu hút sự tham dự đông đảo của các đơn vị thuộc NHNN, Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, UBND xã, phường và các Quỹ Tín dụng.

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn (đang phát biểu) đồng chủ trì với lãnh đạo các tỉnh, thành ở miền Tây Nam bộ

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn (đang phát biểu) đồng chủ trì với lãnh đạo các tỉnh, thành ở miền Tây Nam bộ

Quỹ Tín dụng tham gia tích cực xóa đói giảm nghèo

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đánh giá và biểu dương hệ thống Quỹ Tín dụng, sau hơn 30 năm hình thành và phát triển đã góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tài chính toàn diện và an sinh xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, vẫn bộc lộ nhiều tồn tại: Một số Quỹ hoạt động còn xa rời mục đích “tương trợ lẫn nhau”, liên kết lỏng lẻo với Ngân hàng Hợp tác xã, năng lực quản trị chưa đồng đều.

Trước bối cảnh cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy hành chính và chuyển đổi số toàn diện, Phó Thống đốc yêu cầu việc cơ cấu lại hệ thống Quỹ đặt ra yêu cầu cấp thiết, gắn với định hướng phát triển kinh tế tập thể, góp phần xây dựng hệ thống tài chính cộng đồng an toàn, minh bạch, bền vững.

Đại diện UBND TP. Cần Thơ thông tin về tình hình hoạt động của các Quỹ Tín dụng trong khu vực Cần Thơ và Vĩnh Long, đến tháng 6/2025, có 49 Quỹ đang hoạt động với tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 3.200 tỷ đồng, với gần 66.600 thành viên tham gia. Tuy nhiên, các Quỹ vẫn đối mặt với nhiều thách thức như năng lực quản trị hạn chế, tỷ lệ nợ xấu cao (trên 5,5%), hệ thống công nghệ thông tin không theo kịp và sản phẩm dịch vụ chưa đa dạng.

Trong khi đó, NHNN chi nhánh Khu vực 10 cũng có đánh giá về tình hình hoạt động của các Quỹ Tín dụng tại các tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiện tượng chồng lấn địa bàn hoạt động giữa các Quỹ, có thể phá vỡ nguyên tắc “không cạnh tranh nội bộ” của mô hình Quỹ.

Từ thực tế đó, NHNN khu vực 10 kiến nghị NHNN Việt Nam sớm có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức lại mạng lưới Quỹ phù hợp địa giới hành chính mới. Đồng thời tăng cường giám sát rủi ro, đôn đốc xử lý sau thanh tra và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Đối với việc quản lý, xử lý các Quỹ yếu kém, Cục Quản lý giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, đến tháng 4/2025, có 28 Quỹ Tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt, trong đó 23 Quỹ thuộc diện xử lý pháp nhân (giải thể hoặc phá sản nếu đủ điều kiện).

Kiến nghị miễn thuế để tăng năng lực tài chính cho Quỹ Tín dụng

Theo Cục Quản lý giám sát ngân hàng, việc triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn chi trả và hành lang pháp lý cho các phương án sáp nhập, giải thể hoặc phá sản.

Cục Quản lý giám sát ngân hàng đề xuất sớm hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý, đặc biệt là cơ chế sử dụng Quỹ bảo toàn để chi trả tiền gửi, xây dựng hướng dẫn cụ thể về việc giải thể khi có tổ chức tín dụng tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ.

Theo đó, giao NHNN khu vực chủ trì triển khai phương án phá sản tại địa phương, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Hợp tác xã và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án dự phòng thanh khoản và thông tin đảm bảo quyền lợi người gửi tiền trong suốt quá trình trỉen khai xử lý việc này.

“Đây là những bước đi quan trọng để bảo vệ quyền lợi người dân, giữ ổn định hệ thống và từng bước làm lành mạnh hóa hệ thống Quỹ Tín dụng” - đại diện Cục Quản lý giám sát ngân hàng nhận định.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam đề nghị, NHNN cần nghiên cứu kỹ về mức áp dụng hạn mức cho vay đối với các Quỹ, xem xét điều chỉnh quy định về quỹ đầu tư phát triển, cho phép trích lập với tỷ lệ cao hơn để tăng nội lực tài chính, phục vụ cho các Quỹ Tín dụng đầu tư công nghệ và hiện đại hóa quản trị. Ngoài ra, Hiệp hội đề xuất miễn thuế lãi góp vốn của thành viên nhằm khuyến khích tăng vốn điều lệ.

Các Quỹ Tín dụng chủ động củng cố hoàn thiện mô hình

Kết luận tại Hội thảo, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, tái cơ cấu hệ thống Quỹ Tín dụng cần thiết để sắp xếp, tổ chức lại mô hình các tổ chức tín dụng hợp tác xã. Thực sự trở thành kênh tài chính vi mô, hỗ trợ người nghèo, người yếu thế ở các khu vực nông thôn, góp phần phổ cập tài chính toàn diện trên cả nước.

NHNN Việt Nam đã tổng hợp nhiều góp ý, kiến nghị từ các địa phương, NHNN khu vực, Bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã và nhiều Quỹ Tín dụng trên toàn quốc. Theo Phó Thống đốc, trong tháng 7 này, các vụ, cục chức năng của sẽ bổ sung, hoàn thiện hoàn thiện các nội dung, quy định của Đề án để sớm trình cấp có thẩm quyền và sớm được Chính phủ trình Quốc hội.

Phó Thống đốc chỉ đạo NHNN khu vực tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các Quỹ tại từng địa bàn, để ghi nhận tất cả các góp ý, kiến nghị nhằm hoàn thiện Đề án. Đối với các Quỹ, cần nâng cao tinh thần tự giác, chủ động tự củng cố tự chấn chỉnh để hoàn thiện mô hình, tổ chức hoạt động theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả và đúng với tôn chỉ mục đích của mô hình tín dụng hợp tác xã.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tiep-tuc-hoan-thien-phap-ly-ho-tro-quy-tin-dung-phat-trien-167187.html