Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục

Ngày 23-1, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I; bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong học kỳ II năm học 2024-2025.

Tiết học của cô và trò Trường THPT Đại Từ.

Tiết học của cô và trò Trường THPT Đại Từ.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 686 cơ sở giáo dục, gồm: 245 trường mầm non, 200 trường tiểu học, 191 trường THCS, 36 trường THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; với tổng số 10.740 nhóm, lớp, trên 346.590 học sinh.

Trong học kỳ I năm học 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tăng cường các giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra, đánh giá; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên...

Hiện nay, tổng số trẻ mầm non đi học là trên 78.220 trẻ, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 35,3%; trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 98,8%. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo tham gia làm quen với tiếng Anh đạt 52,1%. 100% cơ sở giáo dục tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương, không gây quá tải cho học sinh. 100% cơ sở giáo dục hoàn thành công tác tự đánh giá; 597/670 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ trên 88,8%)...

Phát huy kết quả đạt được, trong học kỳ II, ngành GD&ĐT tiếp tục tăng cường nền nếp, kỷ cương; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, xây dựng trường học xanh, trường học số, trường học hạnh phúc; nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh; nâng cao chất lượng công tác tổ chức các kỳ thi, tuyển sinh các cấp, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh năm 2025 theo quy định mới...

Đặc biệt là tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia với kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Thảo Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202501/tiep-tuc-huy-dongcac-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-giao-duc-024149a/