Tiếp tục phân bổ vốn, gỡ khó đầu tư công
Tiến độ trình đã chậm, song trong những ngày cuối năm 2023 bận rộn này, từng đồng vốn đầu tư công vẫn tiếp tục được phân bổ, điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống.
Vẫn giao vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội
Trong Phiên họp thứ 28 vừa bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Việc giao kế hoạch vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng được đặt lên bàn nghị sự tại phiên họp.
Báo cáo nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng. Trong đó, đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương 708.252,386 tỷ đồng, chưa phân bổ cho 3.432 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương dự kiến bố trí cho các dự án của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội).
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ 3.307,447 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 cho 3 bộ (Quốc phòng, Công an, Giao thông - Vận tải) và 6 địa phương (Bắc Giang, Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Tháp) để thực hiện 10 dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về việc phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện 10 dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ chịu trách nhiệm và đảm bảo các dự án được bố trí vốn đủ thủ tục, điều kiện phân bổ vốn theo quy định, đồng thời chịu trách nhiệm về hiệu quả và tiến độ giải ngân các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Về giao kế hoạch vốn cho dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, tại Nghị quyết số 93/2023/QH15, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Ninh Thuận khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án Đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, với số vốn 273 tỷ đồng của Chương trình theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương báo cáo, dự án trên đã được HĐND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư, đủ điều kiện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét, phân bổ 273 tỷ đồng cho Dự án.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh cho hay, qua thẩm tra, Ủy ban kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ giao 273 tỷ đồng vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cho Dự án Đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải của tỉnh Bình Thuận đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ.
Ngoài các nội dung trên, Chính phủ còn đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất một số nội dung khác, trong đó có việc điều chỉnh giảm 4.448,843 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 để bổ sung Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho 2 dự án, gồm Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (3.122,973 tỷ đồng) và Dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (1.325,87 tỷ đồng).
Trình Quốc hội phân bổ 2.526,16 tỷ đồng cấp điện lưới cho Côn Đảo
Trong đề xuất về việc phân bổ từ số vốn dự phòng quy định tại khoản 6, Điều 2, Nghị quyết số 93/2023/QH15, có Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, ngay từ đầu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã quyết nghị dự kiến bố trí vốn cho EVN để thực hiện dự án trên.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án chậm do quá trình lựa chọn phương án cấp điện cần nhiều thời gian, phải đo đạc, khảo sát, tính toán lựa chọn phương án tối ưu nhất. Đến tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, với tổng mức đầu tư 4.950,156 triệu đồng, trong đó vốn tự có của EVN khoảng 2.423,996 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 2.526,16 tỷ đồng; giao Bộ Công thương là cơ quan quyết định đầu tư dự án, EVN là chủ đầu tư.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, việc đầu tư dự án trên có mục tiêu là cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia. Bộ Công thương, EVN và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tính toán, đề xuất 5 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo, đưa ra 6 tiêu chí để đánh giá từng phương án. Phương án cấp lưới điện quốc gia được lựa chọn do đáp ứng đủ 6 tiêu chí với giá thành điện năng thấp nhất.
Do Dự án được phê duyệt sau thời điểm báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, nên toàn bộ số vốn 2.526,16 tỷ đồng đã giao EVN chuyển về dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15.
Đồng thời, theo quy định tại Luật Đầu tư công, Bộ Công thương sẽ là cơ quan tổ chức lập kế hoạch đầu tư công, đăng ký và giao kế hoạch đầu tư công đối với Dự án. EVN không phải là đơn vị trực thuộc Bộ Công thương, nên Bộ Công thương không thể phân bổ, giao vốn cho EVN.
“Tuy nhiên, dự án nêu trên có tính chất đặc thù, cấp bách, ngoài phần vốn ngân sách trung ương bố trí cho Dự án (dự kiến 2.526,16 tỷ đồng), phần còn lại sử dụng phần vốn của EVN 2.423,996 tỷ đồng. Do đó, để bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, cần xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương của Dự án cho EVN”, ông Phương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thẩm tra, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc bố trí vốn cho Dự án đường dẫn điện ra Côn Đảo để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia, đã được các cơ quan của Chính phủ rà soát, lựa chọn phương án cấp điện tối ưu nhất để triển khai.
“Cơ quan thẩm tra nhất trí việc Chính phủ hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sử dụng 2.526,16 tỷ đồng cho dự án này từ số vốn 37.303,015 tỷ đồng đưa vào dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15”, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Chính phủ hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải trình bổ sung về tính hợp lý, cơ sở lựa chọn phương án cấp điện của dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Năm 2024, sửa Luật Thuế giá trị gia tăng
Cũng trong Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình Xây dựng luật năm 2024, gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Với Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chính phủ đề xuất 5 nhóm chính sách, gồm hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, về giá tính thuế, thuế suất, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và hoàn thiện các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tiep-tuc-phan-bo-von-go-kho-dau-tu-cong-d205448.html