Tiếp tục rà soát, quy định cụ thể quyền hạn của cảnh sát cơ động
Sáng 15.2, tiếp tục Phiên họp thứ Tám, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.
Đề nghị bỏ cụm từ “chuyên trách” đối với cảnh sát cơ động
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày. Theo đó, về giải thích từ ngữ tại Điều 2 dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “Biện pháp vũ trang” và sự cần thiết quy định vấn đề này. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, “Biện pháp vũ trang” là 1 trong 7 biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia quy định tại Điều 15 của Luật An ninh quốc gia và đã được quy định tại Khoản 14, Điều 16 (Nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân) Luật Công an nhân dân năm 2018; Luật Công an nhân dân cũng đã quy định cụ thể các đối tượng phục vụ trong Công an nhân dân. Vì vậy, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ Điều này.
Ảnh: Lâm Hiển
Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động (Điều 3 dự thảo Luật), nhiều ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “chuyên trách”; làm rõ hơn tính đặc thù của CSCĐ, bổ sung chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của CSCĐ cho phù hợp với Luật Công an nhân dân và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ. Tiếp thu ý kiến, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ cụm từ “chuyên trách”. Đối với các ý kiến khác, qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban thấy rằng, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định khái quát về chức năng của CSCĐ không nhắc lại các nội dung đã có trong Luật Công an nhân dân là phù hợp. Do đó, đề nghị cho giữ nguyên các nội dung này.
Đối với một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định CSCĐ là “lực lượng vũ trang nhân dân” và làm rõ hơn tính vũ trang của lực lượng CSCĐ. Thường trực Ủy ban thấy rằng, lực lượng CSCĐ thuộc Công an nhân dân; dự thảo Luật quy định CSCĐ là “lực lượng vũ trang nhân dân” cũng thống nhất với Khoản 1, Điều 3 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Khoản 1, Điều 13 của Luật Biên phòng Việt Nam; đồng thời là căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng chế độ, chính sách, bảo đảm hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nguyên nội dung này.
Ảnh: Lâm Hiển
Về nhiệm vụ của CSCĐ (Điều 9 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị cân nhắc Điểm đ, Khoản 2 vì không phải là nhiệm vụ thường xuyên, không mang tính đặc thù của CSCĐ. Trên cơ sở ý kiến, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ lại nhiệm vụ này và chỉnh lý như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị cho bổ sung Điều 12 về hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự của CSCĐ trên cơ sở luật hóa một số quy định tại Thông tư số 58/2015/TT-BCA.
Ảnh: Lâm Hiển
Cân nhắc quy định rõ biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Cụ thể, đã bám sát Nghị quyết 40 của Bộ Chính trị năm 2004 và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về chiến lược an ninh quốc gia, về xây dựng lực lượng công an nhân dân; trong đó, có ưu tiên xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động tiến lên hiện đại và đã nhấn mạnh nhiệm vụ chủ yếu là chống bạo loạn, chống khủng bố. Bên cạnh đó, đã đề cập sâu yêu cầu lãnh đạo tập trung và chỉ huy thống nhất; bước đầu rà soát tính hợp hiến, hợp pháp của dự thảo Luật với các văn bản luật khác.
Ảnh: Lâm Hiển
Về giải thích từ ngữ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần phân tích làm rõ hơn lý do bỏ Điều này; cân nhắc quy định rõ biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang và một số khái niệm khác mà các luật khác chưa quy định, nếu cần thiết có thể tổ chức hội đàm, hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia để có khái niệm chuẩn xác quy định trong luật.
Ảnh: Lâm Hiển
Về vị trí, chức năng của CSCĐ (Điều 3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu quy định bảo đảm tính khái quát, rõ ràng hơn để làm căn cứ quy định các nội dung khác của dự thảo Luật.
Ảnh: Lâm Hiển
Ảnh: Lâm Hiển
Về quyền hạn của CSCĐ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã dự kiến tiếp thu, chỉnh lý về quyền hạn CSCĐ đã thể hiện quan điểm của đại biểu Quốc hội, không chồng chéo về quyền hạn với lực lượng khác. Do thực hiện quyền hạn CSCĐ có liên quan nhiều đến quy định pháp luật như hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ… Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát, quy định cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm thống nhất, khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, sau khi Phiên họp kết thúc, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo Luật, dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi tổ chức các hội thảo, hội nghị. Đồng thời, lựa chọn những vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu chuyên trách nhằm tiếp tục hoàn chỉnh, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba tới.