Tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19
Đồng bộ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện 'mục tiêu kép' vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đây là chỉ đạo của đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa tại cuộc họp khẩn với các thành viên Ban chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 sáng 2-2.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Theo báo cáo của Sở Y tế tại hội nghị, từ ngày 1-1-2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 3 ca nhiễm COVID-19 được cách ly ngay khi nhập nhập cảnh (BN1514, BN1516 và BN1537); tổ chức cách ly tập trung 1.554 người (hiện đang cách ly 227 người). Tổng số trường hợp được cách ly tại nhà 4.904 người. Tổng số xét nghiệm 2.035 người/ 3.342 lượt xét nghiệm.
Trong tháng 1-2021, Thanh Hóa có 4 chuyến bay đón công dân Việt Nam hết hạn hợp đồng, các chuyến bay giải cứu từ Nhật Bản, Hàn Quốc về nước cách ly tại Thanh Hóa với 828 công dân, trong đó có 2 ca mắc COVID-19. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tiếp nhận, vận chuyển, cách ly tập trung cho các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao... vào Thanh Hóa, trong đó có 1 ca mắc COVID-19 (BN1537).
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Bá Cẩn báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19.
Công tác rà soát, truy vết các trường hợp F1, F2 và các trường hợp trở về từ ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh và các tỉnh có dịch, đã truy vết được 13 F1 trên địa bàn tỉnh, hiện đã cách ly tập trung và có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; 153 F2 hiện đang được cách ly tại nhà. Đã tổ chức điều tra, giám sát 4.382 trường hợp trở về từ các ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng…; Lấy 370 mẫu xét nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng phát biểu tại cuộc họp.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đều nhận định tình hình đang diễn biến rất phức tạp, ghi nhận nhiều trường hợp F1, F2, các trường hợp trở về từ vùng dịch trong nước, các trường hợp nhập cảnh dương tính với COVID-19 từ các chuyến bay giải cứu, các chuyên gia, nhà đầu tư…
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép không được phát hiện hoặc phát hiện muộn, sắp tới Tết âm lịch, nên việc đi lại, nhu cầu về nước của công dân rất lớn, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh là rất lớn… cần tiếp tục tăng cường các biện pháp theo chiến lược xuyên suốt từ ban đầu: Ngăn chặn; Phát hiện; Cách ly; Khoanh vùng dập dịch và Điều trị hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh nhấn mạnh, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tham gia của Nhân dân, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên đây mới là kết quả bước đầu, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan là rất cao bởi Thanh Hóa là tỉnh có nhiều người dân làm ăn, sinh sống ở mọi miền tổ quốc, ở nước ngoài, dịp Tết sẽ trở về phương địa phương.
Việc nhập cảnh trái phép diễn ra chưa kiểm soát hết; nhiều đối tượng trở về khai báo không trung thực, kịp thời, gây khó khăn cho công tác truy vết, khoanh vùng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, Nhân dân còn có biểu hiện lơ là, chủ quan đối với tình hình dịch bệnh…
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc với phương châm: Quyết liệt, khẩn trương, không lơ là chủ quan; đồng thời bình tĩnh, chủ động, không hoang mang, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo các cấp. Đặc biệt là sự vào cuộc của mọi người dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch này, phải đặt quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân và phát triển kinh tế.
Công tác phòng, chống dịch phải thường xuyên, đồng bộ cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn (Trước mắt tập trung triển khai đợt cao điểm phòng chống dịch từ 2-2 đến 11-2). Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và có kịch bản cụ thể cho từng nội dung: Ngăn chặn, phát hiện, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả. Giao Ngành Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 4-2.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nếu để dịch bệnh COVID-19 bùng phát, lây lan trên địa bàn thì bí thư, chủ tịch UBND các huyện phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, các ngành xây dựng kế hoạch, phương án riêng theo chức năng, nhiệm vụ để triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; đôn đốc các địa phương phụ trách triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.
Ban Chỉ đạo các cấp, UBND các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, đặc biệt là giám sát, rà soát, truy vết thần tốc, phát hiện sớm, xét nghiệm, cách ly triệt để các trường hợp trở về từ vùng dịch. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trong quản lý, rà soát, phân loại để có biện pháp quản lý dân cư tại chỗ, người đến, về cư trú tại địa bàn.
Đặc biệt, tăng cường hoạt động tổ giám sát cộng đồng; tuyên truyền người dân chủ động tham gia phát giác, khai báo các trường hợp nhập cảnh trái phép, thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức giám sát, cách ly, lấy mẫu và xử lý theo quy định, tuyệt đối không để sót người từ nơi khác trở về địa bàn chậm được khai báo hoặc chính quyền bỏ sót.
Giao Công an chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Y tế tổ chức thành lập 4 chốt kiểm soát trên các tuyến: Bỉm Sơn, Thạch Thành, Nghi Sơn, Như Xuân từ ngày 3-2, trực 24/24h cho đến khi có thông báo mới.
Về công tác bảo đảm vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ, đúng quy định, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch xảy ra; huy động, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà tài trợ hoạt động trên địa bàn tỉnh chung tay góp sức đồng hành cùng Thanh Hóa chống dịch.
Đẩy mạnh xét nghiệm cho những người trở về từ các vùng dịch; thực hiện bắt buộc toàn dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; tiếp tục thực hiện không tổ chức các lễ hội, sự kiện tập trung đông người, trường hợp cần thiết phải báo cáo cấp có thầm quyền và thực hiện quy định phòng, chống dịch.
Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố có phương án hỗ trợ tổ giám sát, cán bộ trực dịch, người dân phải cách ly trong những ngày tết. Giao lực lượng biên phòng chủ trì phối hợp với công an tiếp tục kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực biên giới, đường bộ, đường biển, tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể tổ chức các hoạt động nhập cảnh trái phép vào địa bàn.
Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn các cơ sở y tế, thường xuyên đánh giá an toàn các bệnh viện, các cơ sở y tế; tổ chức chặt chẽ việc phân luồng tại các cơ sở y tế; tổ chức phân luồng, sàng lọc, cách ly các trường hợp nghi ngờ, bảo đảm không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; có phương án hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế trong thời gian cách ly dịp Tết. Rà soát lại cơ sở vật chất tại các khu cách ly tập trung, bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận công dân về cách ly.
Ban chỉ đạo các cấp công bố danh mục số điện thoại, mở điện thoại 24/24h cho đến khi có thông báo mới.
Từ ngày 2-2, đề nghị Sở Y tế thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày trước 16h về tình hình dịch bệnh, kiến nghị đề xuất (nếu có) cho đến khi có thông báo mới.
Đẩy mạnh thông điệp truyền thông phòng, chống dịch trên hệ thống thông tin đại chúng; thông tin kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh, tránh gây hoang mang trong dư luận… bảo đảm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.