Tiếp tục thấm nhuần và vận dụng hiệu quả tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phương pháp, phong cách giáo dục hiện đại mà đậm đà giá trị truyền thống của Người thực sự là nền tảng, kim chỉ nam định hướng, dẫn dắt tiến trình xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam.
Ngày 12/5, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) tổ chức Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì hội thảo còn có Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn. Hội thảo hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư đầu tiên gửi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo (9/1945-9/2025).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phương pháp, phong cách giáo dục hiện đại mà đậm đà giá trị truyền thống của Người, thực sự là nền tảng, kim chỉ nam định hướng, dẫn dắt tiến trình xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam. Đó là triết lý: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Đó là tầm nhìn: “Một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Đó là phương châm: “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ”; “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Đó là phương pháp: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Đó là mục đích: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.
Trong chặng đường 80 năm kể từ ngày thành lập nước, nhất là gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc, kiên định quán triệt và thực hiện tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, với chủ trương xuyên suốt coi “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”.
Ngày 25/4/2025, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành Thông báo số 177-TB/VPTW, Thông báo Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo… Thông báo nêu rõ đồng ý nghiên cứu, xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đột phá phát triển giáo dục và đào tạo (tương tự Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị). Nghị quyết này không thay thế các nghị quyết đã có, mà lựa chọn những vấn đề then chốt nhất, điểm nghẽn lớn hiện nay để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ ràng, cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Trong bài viết với tiêu đề “Học tập suốt đời”, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân. Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả học tập suốt đời, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, chúng ta mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học chủ trì hội thảo.
Với bối cảnh mới, yêu cầu mới, chủ trương, đường lối và định hướng chỉ đạo của Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị hội thảo tập trung phân tích, luận giải và làm sâu sắc hơn ý nghĩa, giá trị trường tồn của tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phát triển toàn diện con người, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; đúc rút những bài học quý từ tư tưởng, phương pháp, phong cách của Bác về giáo dục và đào tạo để lan tỏa, vận dụng vào công tác quản lý, dạy và học, nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam về đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thẩm mỹ, thể lực, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp; phát huy tinh thần tự học, học tập suốt đời để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, nhất là thế hệ trẻ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung; hiến kế, đề xuất các giải pháp nhằm khơi thông những điểm nghẽn, giải quyết những vấn đề then chốt nhất trong giáo dục và đào tạo, để tư vấn, tham mưu Bộ Chính trị ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết về đột phá phát triển giáo dục và đào tạo, tạo nên cuộc cách mạng về phát triển giáo dục và đào tạo, đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục đã trình bày các tham luận về tư tưởng Hồ Chí Minh về nền giáo dục Việt Nam. GS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại về giáo dục; theo Bác Hồ, nền giáo dục của một nước Việt Nam độc lập, trước hết là nền giáo dục phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết và phục vụ hiệu quả thực tiễn cách mạng – một nền giáo dục kiến tạo; giáo dục Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nền giáo dục lấy phát triển con người toàn diện làm trung tâm – một nền giáo dục thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn…
GS. Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục, cơ sở giáo dục cần thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ “việc học lấy tự học làm cốt”, đồng thời cũng là tư tưởng tiên tiến của nhân loại thể hiện trong 4 trụ cột của giáo dục: “Học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để chung sống”. Do đó, GS. Phạm Hồng Quang cho rằng, cần xây dựng chương trình giáo dục nền tảng học vấn rộng, phương pháp giáo dục tăng thực hành, học và làm trong thực tế; thay đổi tư duy và cách quản lý giáo dục, thay đổi cách kiểm tra đánh giá…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, thể hiện sinh động sự kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhiều tham luận tại hội thảo đã đi sâu phân tích tinh thần tự học và học tập suốt đời, gắn với nghiên cứu và quán triệt triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Học tập suốt đời”. Các tham luận này đã khẳng định, bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư về học tập suốt đời, bởi học tập suốt đời theo Tổng Bí thư là “quy luật sống”, là “chìa khóa quan trọng để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực”, là “con đường duy nhất, hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để phát triển thịnh vượng và bền vững”. Từ phân tích đó, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Bắc Giang Bạch Đăng Khoa đề xuất một số giải pháp như: Phải nâng cao ý thức công dân về học tập suốt đời; hoàn thiện hệ thống giáo dục mở; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài; phát triển hạ tầng công nghệ số, tạo cơ hội học tập ở mọi lúc, mọi nơi…
Phát biểu bế mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc và đánh giá vai trò của giáo dục, vì vậy ngành Giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, thể hiện sinh động sự kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục thấm nhuần tư tưởng, phương châm, đường lối giáo dục của Người, đã từng bước cụ thể hóa việc đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào nội dung, chương trình giảng dạy, thi, kiểm tra, đánh giá, giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không đã thấm sâu vào từng hoạt động chuyên môn, từng bài giảng, từng chương trình rèn luyện kỹ năng, nhân cách học đường...

GS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, góp phần đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, để đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, ngành Giáo dục và đào tạo càng cần phải thấm nhuần sâu sắc và vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Những vấn đề đặt ra đối với ngành Giáo dục trong thời gian tới cũng được nhận thức sâu sắc hơn, trong đó cần triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ: Tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ thêm di sản của Hồ Chí Minh về giáo dục. Với di sản càng lớn càng sâu sắc thì mỗi ngày chúng ta lại nhìn thêm những ánh lấp lánh từ di sản ấy. Ngành Giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành, nhất là trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên. Với học sinh nói chung, nhất là học sinh phổ thông, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập 5 điều Bác Hồ dạy một cách thường xuyên và hiệu quả.
Làm theo, thực hiện và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời, thúc đẩy tinh thần tự học, như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung để trở thành người có ích cho xã hội”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, để thực hiện được tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngành Giáo dục sẽ tăng cường giáo dục rèn luyện năng lực tự học, kỹ năng học tập không ngừng, học tập số, ứng dụng số, nâng cao năng lực số, năng lực đổi mới sáng tạo cho người học, tạo ra lớp người mới biết ứng phó và thích ứng với các thách thức của thời đại, của trí tuệ nhân tạo và bùng nổ tri thức.
Một nhiệm vụ trọng tâm nữa, theo Bộ trưởng là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ công dân phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ. Tiếp tục học tập theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc không ngừng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và khát vọng dân tộc, nâng cao cả dân trí và dân khí. Cần phát huy phương pháp giáo dục đạo đức, phương pháp rèn luyện nhân cách người học của Hồ Chí Minh. Đặc biệt là phương pháp giáo dục tự tu dưỡng, tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, tự điều tiết, tự kỷ luật, tự hoàn thiện. Đó là tinh thần cần kiệm liêm chính chí công vô tư, biết liêm sỉ, biết hy sinh. Những thách thức của dân tộc trong kỷ nguyên mới là vô cùng to lớn, cả trí tuệ và phẩm chất con người Việt Nam đều cần phải nâng cao hơn nữa mới có thể gánh vác được trọng trách thời đại. Tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xem đây là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới…