Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Cần nghị quyết đột phá để có nguồn nhân lực chất lượng cao

'Dù đã có nhiều nghị quyết về giáo dục nhưng vẫn cần nghị quyết mang tính đột phá để có nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới' - Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Thời cơ lớn, yêu cầu cao với sự nghiệp trồng người trong tình hình mới

Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ” diễn ra sáng nay (12/5) tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bình Minh

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bình Minh

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - nhấn mạnh: Trong chặng đường 80 năm kể từ ngày thành lập nước, nhất là gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc, kiên định quán triệt và thực hiện tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo. Trong đó, chủ trương xuyên suốt là coi giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực then chốt để phát triển đất nước.

Theo ông Nghĩa, bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, với những chuyển biến nhanh theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng lớp và phân tuyến. Lực lượng sản xuất mới phát triển mạnh mẽ; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn, robot... tác động sâu sắc tới mọi lĩnh vực.

Trong nước, cả hệ thống chính trị đang triển khai những quyết sách chiến lược mang tính cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội..., để phấn đấu đạt mục tiêu GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo động lực tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.

"Những vấn đề này đặt ra thời cơ rất lớn, yêu cầu rất cao với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là sự nghiệp trồng người trong tình hình mới.

Bối cảnh mới đòi hỏi tư duy mới - tư duy hành động, nghị quyết hành động để tạo ra đột phá trong phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành nghề mới. Dù chúng ta đã có nhiều nghị quyết về giáo dục, tuy nhiên, vẫn phải có nghị quyết mang tính chất đột phá để có đội ngũ chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tương tự như Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ” - ông Nghĩa nhận định.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về buổi làm việc giữa đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục đào tạo. Trong kết luận nêu rõ: "Đồng ý nghiên cứu xây dựng đề án trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đột phá phát triển giáo dục đào tạo”.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bình Minh

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bình Minh

Ông Nghĩa khẳng định nghị quyết này không thay thế các nghị quyết đã có, mà lựa chọn những vấn đề then chốt, điểm nghẽn lớn để tập trung chỉ đạo cụ thể, rõ ràng. Từ đó tạo ra cuộc cách mạng về phát triển giáo dục và đào tạo, đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng cháy bỏng của toàn dân tộc.

Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, tư duy về nền giáo dục hiện đại đã có những bước tiến mới như giáo dục thông minh, đào tạo lực lượng lao động kiến tạo, có kỹ năng thích ứng với sự biến đổi của thời đại...

Tuy nhiên, ông Phú cho rằng bản chất những vấn đề cốt lõi của tư duy giáo dục hiện đại đều đã được thể hiện trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục cách đây hơn nửa thế kỷ, với cách biểu đạt giản dị, rất Việt Nam và vô cùng sâu sắc.

“Kỷ nguyên mới đặt ra những yêu cầu mới, ngày càng cao đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo Việt Nam. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần quán triệt sâu sắc, tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nền giáo dục Việt Nam kiến tạo, nhân văn, tiến cùng thời đại” - GS.TS Phùng Hữu Phú nêu quan điểm.

TS. Nguyễn Ngọc Túy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa - thì lưu ý hiện trạng chất lượng nhân lực của Việt Nam hiện không chỉ yếu kém so với các nước lớn trên thế giới mà ngay cả với một số nước trong khu vực.

Ông Túy nêu thống kê gần đây cho thấy năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 15,4% của Mỹ, 19,1% của Pháp, 21,6% của Anh, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật... Trong khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam tương đương Lào.

Phân tích rõ trước kia diệt “giặc dốt” là xóa nạn mù chữ quốc ngữ còn bây giờ “giặc dốt” là sự mù công nghệ, ông Túy đánh giá cao ý nghĩa và vai trò của phong trào bình dân học vụ số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai.

Còn Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang - Ths. Bạch Đăng Khoa thì đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong của ngành giáo dục trong việc thực hiện hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh và chỉ đạo mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm về tinh thần tự học và học tập suốt đời.

“Ngành giáo dục cần tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học; đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Ngành cần xây dựng một hệ thống giáo dục quốc dân linh hoạt, liên thông; đầu tư các nền tảng học tập trực tuyến, đảm bảo người dân ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, đều có thể tiếp cận tri thức” - ông Khoa nói.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục thấm nhuần sâu sắc, vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục.

“Ngành sẽ tăng cường giáo dục, rèn luyện năng lực tự học, kỹ năng học tập không ngừng, học tập số, nâng cao năng lực số, năng lực đổi mới sáng tạo cho người học để tạo ra lớp người mới, biết ứng phó, thích ứng với thời đại” - ông Sơn nhấn mạnh.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ong-nguyen-trong-nghia-can-nghi-quyet-dot-pha-cho-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-2400253.html