Tiếp tục triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát
6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh tăng bình quân 4,51% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (4,08%). Trao đổi với phóng viên Báo Ninh Bình, đồng chí Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho rằng, thực tế áp lực lạm phát năm nay vẫn trong tầm kiểm soát nếu tiếp tục bám sát các chỉ đạo của chính phủ và triển khai những giải pháp kịp thời, đồng bộ.
Phóng viên (PV): Đồng chí có thể cho biết điểm sáng trong tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng trưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh?
Đồng chí Lê Thanh Tùng: Theo thông báo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 8,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,75%; khu vực công nghiệp xây dựng tăng 10,45% (riêng công nghiệp tăng 11,02%); khu vực dịch vụ tăng 9,43%.
Nổi bật trong tình hình kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm là hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động và đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và vận tải. Với mức tăng đạt 9,43%, khu vực dịch vụ có mức đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh (đóng góp 3,63 điểm phần trăm).
Sự phục hồi và tăng trưởng của hoạt động du lịch có ý nghĩa rất lớn trong việc lan tỏa, thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển, nâng cao tỷ trọng của khu vực dịch vụ cũng như đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng chung đối với kinh tế của tỉnh.
Xét trong bối cảnh chung của cả nước, với mức tăng 8,19% trong 6 tháng đầu năm đã thể hiện kết quả rất tích cực trong công tác lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành và nhất là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên địa bàn trong việc khắc phục khó khăn, duy trì ổn định, phục hồi hoạt động SXKD, là tiền đề cũng như tạo động lực cho nhiệm vụ phấn đấu đạt mức cao nhất trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.
PV: Tất cả 11 nhóm hàng hóa đều có chỉ số tăng so với cùng kì, theo đó CPI 6 tháng đầu năm tăng 4,51% so với cùng kì năm 2023, điều này gây áp lực như thế nào về nguy cơ lạm phát, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thanh Tùng: Lạm phát là một trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; đối với nước ta, lạm phát là chỉ tiêu biểu hiện của mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền nằm trong chính sách tiền tệ của Quốc hội quy định. Yếu tố tác động đến mức tăng 4,51% của CPI 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do chi phí đầu vào. Vì trong bối cảnh hoạt động SXKD vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sự phục hồi diễn ra chậm, nhưng giá cả đầu vào vẫn ở mức cao làm tăng chi phí sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo để thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát trong đó có: Thông báo số 193/ TB-VPCP ngày 03/5/2024 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá Quý I năm 2024 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024; Công điện số 61/CĐTTg ngày 22/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Theo đó chỉ đạo các bộ, ngành và đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu khoảng 4%.
Khi xét đến các yếu tố đẩy cung tiền vào nền kinh tế trong các tháng cuối năm 2024 sẽ tăng cao như: Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm theo chỉ tiêu được giao và việc thực hiện tăng mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 thì việc có áp lực trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát là hiện hữu đối với cả nước nói chung, trong đó có việc kiềm chế mức tăng CPI của mỗi địa phương nói riêng và Ninh Bình cũng có chung nhiệm vụ đó khi CPI bình quân 6 tháng đầu năm của tỉnh đã tăng 4,51% so với cùng kỳ năm trước.
PV: Hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng hiện vẫn trong tầm kiểm soát nhưng áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng về cuối năm. Theo đồng chí có những giải pháp gì để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm?
Đồng chí Lê Thanh Tùng: Như đã đề cập ở trên, áp lực trong công tác điều hành và quản lý giá trong những tháng cuối năm 2024 là hiện hữu. Để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4- 4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và phấn đấu khoảng 4% cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó tập trung ở các nhiệm vụ: Từng ngành, từng cấp và từng đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành, của tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô theo như Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ và Công điện số 61/ CĐ-TTg ngày 22/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Quản lý tốt việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, không để xảy ra gián đoạn lưu thông nhằm ổn định xăng dầu, giá cả đầu vào cho hoạt động sản xuất giúp doanh nghiệp, đơn vị SXKD có điều kiện hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất để cung ứng đủ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường.
Trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản cần làm tốt công tác dự báo, kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh. Không để xảy ra dịch bệnh gây hại lớn đến năng suất cây trồng, vật nuôi làm sụt giảm sản lượng tác động đến nguồn cung sản phẩm trên thị trường.
Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình, thời điểm phù hợp, tránh việc tăng giá các hàng hóa, dịch vụ một cách đột ngột hoặc tăng tập trung trong một khoảng thời gian ngắn dẫn đến sự xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả.
Công khai công tác quản lý và điều hành giá để tạo niềm tin cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng, tránh việc tăng giá do tâm lý.
Giám sát thực hiện các quy định về kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá của các đơn vị kinh doanh, nhất là các trung tâm buôn bán lớn, siêu thị, chợ đầu mối và các địa bàn có mật độ dân số tập trung cao.
Đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, tình hình thế giới để có những giải pháp kịp thời, phù hợp, tránh bị động trong công tác quản lý giá nói chung và giá tiêu dùng nói riêng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Lan Anh (thực hiện)