Tiếp tục 'truy' địa chỉ không thực hiện kiến nghị của kiểm toán
Kiến nghị của kiểm toán, theo quy định của Luật Kiểm toán thì có giá trị bắt buộc thi hành khi đã công khai.
Chỉ có ba ý kiến thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Kiểm toán nhà nước trong sáng 1/4.
Trước đó, thẩm tra báo cáo của Kiểm toán nhà nước, cho rằng tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa cao, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị trường hợp cần thiết cần tổng hợp danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán, đề xuất phương án xử lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xử lý.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) tập trung vào một nội dung là việc xử lý các kiến nghị của kiểm toán.
Ông Giang nói, theo quy định của Luật Kiểm toán thì báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính tới hơn 3.500 tỷ, bằng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thay thế 786 văn bản, bằng 2,18 lần nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của kiểm toán số kiến nghị về tài chính hằng năm đạt bình quân khoảng 73,6%.
"Như vậy trong 5 năm vừa qua, mỗi một năm còn tồn tại khoảng hơn 25% số kiến nghị của kiểm toán đối với xử lý vấn đề tài chính chưa được thực hiện, như vậy, sẽ vượt con số hơn 100% so với một năm. Đồng thời với đó, cũng theo báo cáo của kiểm toán thì số văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung mới chỉ đạt được 136/786 văn bản. Đây là những con số mà tôi cho rằng cần phải có các giải pháp trong nhiệm kỳ tới" - ông Giang nhấn mạnh.
Vị đại biểu là Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ, kiến nghị của kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán có giá trị bắt buộc thi hành khi đã công khai.
Vì thế, ông Giang đề nghị Kiểm toán nhà nước tổng hợp lại, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội các đơn vị được kiểm toán khi bị kiến nghị về xử lý tài chính cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến các quy định tại các văn bản mà kiểm toán đã chỉ ra.
Các đơn vị được kiểm toán đã bị chỉ ra các sai phạm về xử lý tài chính mà không thực hiện cũng phải có giải trình rõ ràng về việc tại sao không thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đây là luật định, ông Giang nói.
Và theo đại biểu, đã là luật định nhưng không thực hiện tức là kỷ cương của các cơ quan đó có vấn đề.
"Tôi đề nghị trong nhiệm kỳ tới, báo cáo hằng năm của kiểm toán cần phải nêu rõ hơn về những kiến nghị đối với từng đơn vị cụ thể để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo với Quốc hội, để có các giải pháp để thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán nhà nước" - ông Giang phát biểu.
Khẳng định thành công của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của cơ quan kiểm toán, song đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng bày tỏ đồng tình với phân tích của đại biểu Giang, là hiệu lực thực hiện của các kiến nghị kiểm toán còn thấp.
Ông Cường cho rằng, cần phải xem xét lại thật kỹ nguyên nhân, có phải là do chất lượng kiến nghị chưa đủ thuyết phục để các cơ quan phải thực hiện hay vì hiệu lực kiến nghị không được thực thi.
"Nếu như vì hiệu lực thì tôi nghĩ rằng, cơ quan kiểm toán cần phải có kiến nghị với Quốc hội, vì đã là luật thì phải thực hiện".
Hồi âm băn khoăn của đại biểu, Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc giải thích, những văn bản mà Kiểm toán nhà nước chỉ ra là cần phải sửa thường là các văn bản quy phạm pháp luật. Cho nên, hoàn thiện lại một văn bản quy phạm pháp luật thì các ngành và chính quyền các cấp phải thực hiện theo đúng quy trình sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy thời gian thực hiện chưa đạt được như kiến nghị.
Về xử lý tài chính, liên quan đến con số hằng năm còn khoảng hơn 25%, ông Phớc lý giải những khoản mà Kiểm toán nhà nước đề nghị truy thu hay đề nghị giảm quyết toán đều phụ thuộc vào nguồn vốn. Ví dụ, những khoản chi sai chế độ, các khoản tại các công trình đã quyết toán, trả cho nhà thầu rồi mới kiến nghị chi sai là do không phù hợp với định mức, không phù hợp với dự toán, không phù hợp với đơn giá. Tuy nhiên, để thu lại được tiền đó thì phải chờ các doanh nghiệp nộp tiền thì Ban quản lý dự án mới nộp tiền lại cho Nhà nước. Các khoản chi sai chế độ cũng phải có nguồn để chi trả, ông Phớc giải thích.