Tiết kiệm điện, cách nào?
Rất tình cờ, trong cả hai sự kiện liên quan đến năng lượng vào ngày 12.10, vấn đề tiết kiệm điện cùng được đặt ra với quan điểm chung rằng đây là giải pháp quan trọng để ứng phó với nguy cơ thiếu điện. Vậy nhưng, chính sách nào giúp việc tiết kiệm điện hiệu quả hơn?
Đầu tiên, trong Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết, sản lượng điện sản xuất hàng năm tăng, năm sau cao hơn năm trước và hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định. Mặc dù vậy, nhiều hạn chế trong phát triển năng lượng khiến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đối mặt nhiều thách thức.
Đó là nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Tài nguyên năng lượng sơ cấp ngày càng cạn kiệt khi thủy điện cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn suy giảm nhanh. Cung và cầu năng lượng trong nước mất cân đối, nguồn phát điện giữa các vùng và một số dự án nguồn điện chậm vận hành.
Nguy cơ thiếu điện, theo Đoàn giám sát, có thể kéo dài trong ngắn - trung và dài hạn tới 2050. “Nguồn cung khó như vậy thì chính sách tiết kiệm năng lượng phải rõ ràng và có giải pháp mạnh hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, tiết kiệm năng lượng là vấn đề rất lớn.
Số liệu năm 2020 cho thấy, để tạo ra 1.000 USD GDP, Việt Nam cần tới 1.049kWh điện, kém xa con số ở các nước đang phát triển trong khu vực tại thời điểm năm 2017 như Trung Quốc (632kWh), Malaysia (415kWh), Thái Lan (475kWh) và còn xa hơn nữa so với các nền kinh tế phát triển khác. Rõ ràng, chúng ta đã và đang đánh đổi hiệu quả sử dụng năng lượng để lấy tăng trưởng.
Tương tự, trong diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam" do báo Điện tử VOV tổ chức cùng ngày 12.10, các diễn giả cũng cho rằng, để ứng phó với nguy cơ thiếu năng lượng, Việt Nam phải tiến hành đồng thời hai giải pháp. Một là chuyển đổi sang năng lượng sạch và hai là thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, đặt ra vấn đề tiết kiệm điện không chỉ bởi nguy cơ thiếu điện mà còn bởi lãng phí điện hàng năm tại nước ta tương đối cao - cho thấy dư địa tiết kiệm rất “rộng”. Một báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào năm 2019 cho hay, lượng điện bị mất mát (bao gồm cả lãng phí kỹ thuật và thương mại) trong hệ thống điện quốc gia là khoảng 8 - 9%.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá việc sử dụng năng lượng chưa thực sự quan tâm đến tiết kiệm, hiệu quả. Hệ số đàn hồi năng lượng năm 2021 là 1,39, ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới - cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng ở nước ta còn thấp. Việc tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cùng các văn bản hướng dẫn thi hành chưa nghiêm; nhiều nội dung quy định trong Luật còn mang tính khuyến khích, cơ chế thực thi, chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh. Một số ngành như sản xuất thép và xi măng tiêu thụ nhiều năng lượng (nhất là điện), nhưng do giá điện còn thấp so với khu vực và thế giới dẫn đến thiếu động lực để đổi mới công nghệ, nâng cấp thiết bị nhằm tiết kiệm năng lượng.
Trong bối cảnh như vậy, chính sách nào sẽ giúp việc tiết kiệm điện đạt hiệu quả thực chất hơn? Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề xuất đi theo hai hướng. Một là dùng những chính sách khuyến khích, dẫn dắt để tiết kiệm năng lượng, ví dụ sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng thì được hưởng ưu đãi. Hai là dùng các chính sách “cưỡng bức”, đưa vào quy định yêu cầu bắt buộc tiết kiệm.
Với nền kinh tế thâm dụng năng lượng, nhất là điện năng như nước ta thì kêu gọi tiết kiệm thôi thì chưa đủ, mà việc này liên quan đến tầm nhìn chiến lược phát triển ngành công nghiệp. Cần phải xem lại chiến lược phát triển đối với những ngành thâm dụng năng lượng cũng như chính sách giá điện áp dụng cho các ngành công nghiệp. Bởi lẽ, sản xuất công nghiệp mới là nhóm khách hàng sử dụng nhiều điện nhất và cũng là kém hiệu quả nhất so với các ngành kinh tế khác.