Tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp được tập trung đẩy mạnh
Dự án IEEP mong muốn đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng cùng tối ưu hóa hệ thống và thực hiện tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Sau hội thảo khởi động dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các doanh nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng (HTQLNL) và tối ưu hóa hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (Dự án IEEP) diễn ra vào giữa tháng 11/2023, các hoạt động chi tiết hơn cũng đã được triển khai.
Cụ thể, Dự án IEEP đã giới thiệu tới đại diện các Sở Công Thương, trung tâm khuyến công các tỉnh phía Bắc, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp công nghiệp hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống.
Theo các chuyên gia, tiêu chuẩn quản lý năng lượng đã được ban hành và sử dụng tại nhiều nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... từ năm 2000 và đã mang lại kết quả tiết kiệm năng lượng đáng kể cho các doanh nghiệp/tổ chức áp dụng.
Đầu những năm 2000, ở Đan Mạch đã có khoảng 60% doanh nghiệp công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý năng lượng, ở Nhật Bản là khoảng 99% doanh nghiệp trọng điểm áp dụng hệ thống này.
Do yêu cầu của thị trường quốc tế và để chuẩn hóa hệ thống quản lý năng lượng, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đã ban hành Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 - Hệ thống quản lý năng lượng vào năm 2011 và Phiên bản sửa đổi ISO 50001:2018 vào năm 2018.
Sau đó, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 50001:2019: Hệ thống quản lý năng lượng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố năm 2019 hoàn toàn tương thích với ISO 50001:2018. Hiện nay, hệ thống quản lý năng lượng này đã được nhìn nhận như một công cụ quản lý năng lượng hữu hiệu trong rất nhiều doanh nghiệp/tổ chức trên thế giới.
Ở Việt Nam, vì mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và công tác quản lý năng lượng trong các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là các cơ sở trọng điểm đã là yêu cầu bắt buộc theo Luật định bắt đầu từ ngày 1/1/2011.
Theo các qui định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải có các trách nhiệm như: chỉ định người quản lý năng lượng; thực hiện kiểm toán năng lượng; áp dụng mô hình quản lý năng lượng...; xây dựng và thực hiện kế hoạch hằng năm và năm năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch này với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Có rất nhiều điểm tương đồng giữa các yêu cầu của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam và các yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO 50001.
Chính vì vậy, việc áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 kết hợp với các giải pháp tối ưu hóa hệ thống sẽ giúp các doanh nghiệp công nghiệp tuân thủ các qui định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm được chi phí năng lượng, giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh và góp phần bảo vệ môi trường.
Để hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sử dụng năng lượng tuân thủ các qui định của Luật, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực phối hợp với các tổ chức/cơ quan liên quan để ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng như xây dựng nguồn nhân lực về quản lý năng lượng và triển khai các kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm”, ông Trịnh Quốc Vũ nói.
Dự án IEEP là một hợp phần thuộc chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, được thực hiện bởi UNIDO và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Vụ TKNL & PTBV) - Bộ Công Thương trong thời gian 5 năm (từ 2023 đến 2027).
Mục tiêu tổng quát của dự án là thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu thị trường và ứng dụng giải pháp TKNL trong công nghiệp để đạt được kết quả sử dụng năng lượng tốt hơn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải các-bon cũng như nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam.
Ông Phương Hoàng Kim - Giám đốc Ban quản lý Dự án, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, để thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả một cách rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội, trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực thi một loạt các chính sách và chương trình, hành động quan trọng như ban hành và triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cùng với đó là một hệ thống các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan được ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015 và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
“Dự án IEEP đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng trên toàn quốc”, ông Kim nhấn mạnh.
Trong quá trình thực hiện, Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể và hiệu quả từ nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc, các chính phủ Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản... thông qua những gói hỗ trợ về tài chính cũng như việc chuyển giao những kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật tiên tiến đang được ứng dụng ở các nước phát triển.
Bà Kristina Bünde, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, chuyển dịch năng lượng bền vững là một trong những ưu tiên của EU trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển xanh và bền vững.
EU cũng hy vọng, Dự án IEEP - 1 hợp phần thuộc SETP - sẽ giúp Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đạt được những mục tiêu đề ra, cũng như góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về chuyển dịch năng lượng bền vững và đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Về phía UNIDO, đại diện tại Việt Nam, bà Lê Thị Thanh Thảo cho hay, trong khuôn khổ dự án IEEP với 03 hợp phần chính được thiết kế, UNIDO sẽ sử dụng kết hợp việc thúc đẩy thị trường thông qua các can thiệp chính sách (thuộc Hợp phần 1), bao gồm việc thiết lập các quy định và hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống, cũng như các chương trình khuyến khích hướng vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa và tác động kéo thị trường thông qua việc cung cấp chương trình đào tạo cho các đối tượng liên quan (Hợp phần 2) và hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các dự án trình diễn và nhân rộng (Hợp phần 3).
"UNIDO kỳ vọng, sau khi dự án hoàn thành, sẽ góp phần thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý năng lượng kết hợp với tối ưu hóa hệ thống cũng như đóng góp một phần vào các mục tiêu chung đặt ra của Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP3) đến năm 2025 và quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng thông qua khuôn khổ JETP”, bà Lê Thị Thanh Thảo nói.