Tiết lộ bất ngờ về người đàn ông nhận nuôi cậu bé nghèo bán táo
Từ lúc nhận nuôi cậu bé bán táo, anh thay đổi suy nghĩ, hướng đến những điều tử tế.
Lớn lên ở quán bia ôm
Nhân vật của chương trình Gõ cửa thăm nhà tập 211 là anh Nguyễn An - TikToker Chú Cá Review Không Booking.
Anh Nguyễn An sinh ra và lớn lên ở Sóc Trăng. Từ nhỏ, mẹ con anh sống tại quán bia ôm của dì.
Vì môi trường sống phức tạp nên anh khá lanh lợi.
Vượt lên nghịch cảnh, anh An thi đậu 2 trường đại học cùng lúc. 18 tuổi, anh khăn gói lên TP.HCM nhập học. Lúc rời quê, mẹ anh căn dặn: “Con ra đường mà không phá người ta là má mừng lắm rồi”.
Nhớ lời mẹ, anh An quyết tâm học 2 trường đại học cùng lúc. Nhưng rồi, gia đình rơi vào khó khăn, anh đành bỏ học giữa chừng. Để có tiền trang trải, anh làm đủ nghề, thậm chí sang Campuchia tìm việc.
Ở nước bạn vài năm, anh về lại TP.HCM, đi hát ở các phòng trà.
Hai năm sau, anh An theo mẹ qua Mỹ định cư và sống ở đó 5 năm. Cuộc sống tại xứ người dần ổn định thì anh quyết định về Việt Nam tham gia cuộc thi Sing My Song.
“Cả 2 lần dự thi, tôi đều thất bại ngay ở vòng ghi hình. Tuy nhiên, tôi vẫn theo đuổi âm nhạc và có vài ca khúc nổi tiếng như: Ánh sao và bầu trời, Hoàng hôn tháng 6…”, anh An cho biết.
Ngay khi sự nghiệp âm nhạc có chút khởi sắc, anh An ngừng hoạt động nghệ thuật, chuyển hướng “kiếm thật nhiều tiền”.
Sau đó, anh chuyển sang kinh doanh và sáng tạo nội dung trên các nền tảng xã hội với tên gọi Chú Cá Review Không Booking. Anh nổi tiếng với những video review và bán hàng chân thật, hài hước.
Nhận nuôi cậu bé bán táo
Ban đầu, anh An từ bỏ đam mê âm nhạc để tập trung kiếm tiền. Thế nhưng, chính anh nhận ra mình không thích tiền đến mức bỏ quên sự tử tế.
Hơn nửa năm trước, anh vô tình gặp cậu bé bán táo tên Trầm Hương (12 tuổi, TP.HCM). Đó là đứa trẻ đen nhẻm, hiền hậu, dễ thương, đi bán táo với cái bụng đói meo.
Anh An bắt chuyện và đề nghị mua đồ ăn cho Trầm Hương. Tuy nhiên, cậu bé không chịu, chỉ mong mau bán hết táo, kiếm tiền chữa bệnh cho em trai.
Đến khi anh An hứa mua hết táo, Trầm Hương mới chịu ngồi xuống ăn uống. Từ đó, hai người thân nhau, chia sẻ nhiều hơn về hoàn cảnh gia đình.
Trầm Hương kể, cậu phụ bố mẹ bán vé số từ lúc 5 tuổi. Trong khi đi bán, cậu bị người xấu giật vé số, xe đâm gãy chân.
Chân của Trầm Hương phải gắn inox, đến nay chưa có tiền phẫu thuật tháo ra. Tai nạn còn làm mặt cậu có sẹo. Bạn bè thường lấy vết sẹo ấy để trêu chọc cậu.
Bố của Trầm Hương từng làm việc ở xưởng sắt nhưng gặp tai nạn lao động, sức khỏe yếu dần, phải chuyển sang bán táo.
Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trầm Hương xin bố mẹ cho nghỉ học, đi bán táo kiếm tiền nuôi em.
Chuyện nhà của cậu bé khiến anh An xúc động. Sau đó, anh xin số điện thoại của bố Trầm Hương, hẹn qua thăm nhà.
“Qua thăm chỗ ở của Trầm Hương, mẹ bé lỡ miệng nói đứa em bị bệnh của bé đã mất hơn 3 tháng. Trước giờ, bố mẹ luôn giấu, sợ bé biết sẽ đau lòng.
Câu chuyện này đưa tôi đến với quyết định hỗ trợ và nhận nuôi Trầm Hương. Tôi biết nuôi một đứa trẻ không phải chuyện đơn giản. Tôi lại độc thân, chưa có kinh nghiệm nuôi con.
Tôi chỉ dám gợi ý, còn việc có cho Trầm Hương sống cùng tôi hay không đều do bố mẹ bé lựa chọn”, anh An tâm sự.
Cuối cùng, bố mẹ đồng ý cho Trầm Hương sang sống chung với anh An. Nhờ vậy, cậu bé được đi học và sinh hoạt trong môi trường tốt hơn. Cuộc sống cơ cực của cậu bé bán táo ngày nào có nhiều thay đổi tích cực.
Trầm Hương xúc động chia sẻ: “Cuộc đời con từ khi gặp Chú Cá (anh An) giống như bước sang một trang mới vậy”.
Mỗi khi trở trời, chân Trầm Hương lại đau. Những lúc như vậy, cậu bé lấy tay xoa bóp chân, còn anh An động viên, hứa kiếm đủ tiền cho bé phẫu thuật.
Dù rất thương Trầm Hương, nhưng anh An không cho bé gọi mình là bố. Bởi, anh không đủ tự tin làm người bố tốt và bé còn bố ruột.
Để trả ơn, Trầm Hương ngoan ngoãn, giúp anh An tưới cây, kết hợp làm video review, bán hàng. Cuối tuần, bé về thăm nhà, mua đủ thứ quà bánh tặng anh chị em.
Hiện tại, anh An chỉ có 2 nỗi lo lớn. Đó là bản thân và Trầm Hương gặp chuyện không may.
Nhờ cậu bé bán táo, anh An hiểu được thành công không phải kiếm thật nhiều tiền mà là sống tử tế và vui vẻ.
Nếu như trước đây, mẹ anh An lo lắng “con trai phá làng phá xóm", thì bây giờ bà rất tự hào, hãnh diện mỗi khi kể về anh.