Tiêu chí chọn bát, đĩa an toàn
Bát, đĩa, cốc, chén là những vật dụng thiết yếu sử dụng hằng ngày trong mỗi gia đình.
Trên thị trường hiện có rất nhiều loại bát, đĩa khác nhau, từ sản xuất trong nước cho đến nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, lựa chọn và sử dụng dụng cụ ăn uống an toàn, đạt chất lượng là điều được nhiều gia đình đặc biệt quan tâm.
Đa dạng lựa chọn
Khi đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu sử dụng đồ gia dụng như bát, đĩa, cốc, chén sứ chất lượng cao cũng tăng lên.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, sản phẩm bát, đĩa, cốc, chén được bày bán rất phong phú về chủng loại, kiểu dáng, chất liệu, xuất xứ..., trong đó đa số được làm từ sứ bên cạnh chất liệu thủy tinh, nhựa hay inox.
Chị Nguyễn Thị Hòa, kinh doanh đồ gia dụng tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên) cho biết, sứ là chất liệu phổ biến nhất sử dụng làm chén, đĩa, bát, tô. Đây là chất liệu an toàn với sức khỏe khi đựng thức ăn, đa dạng về kích thước, mẫu mã, phù hợp với mọi không gian bàn ăn, bàn tiệc gia đình, nhà hàng ăn uống... Bát đĩa gốm sứ có ưu điểm bề mặt sáng bóng, ít bám dính dầu mỡ, dễ vệ sinh, chịu nhiệt khá tốt nên dùng được trong lò vi sóng và bảo quản thức ăn trong tủ lạnh.
Trong số đó, đồ sứ Bát Tràng được nhiều người lựa chọn do ngày càng được cải tiến về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng. Hiện, sản phẩm bát đĩa sứ Bát Tràng được thiết kế đẹp mắt, với nhiều họa tiết như hoa mai, đào, sen, cánh chuồn chuồn, hoa mặt trời… cùng chất men trắng trơn, men ngọc, xanh lục bảo, nâu, men rạn…
“Nhiều sản phẩm được các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng vẽ tay thủ công hoàn toàn với nét đẹp sống động, thanh nhã, mang giá trị nghệ thuật cao”, chị Nguyễn Thị Hòa nói.
Theo các chủ cửa hàng kinh doanh sản phẩm gốm sứ, nếu như trước đây, hàng Trung Quốc chiếm lĩnh các cửa hàng gốm sứ gia dụng nhờ giá rẻ, mẫu mã phong phú thì hiện nay hàng nội được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn. Trong đó, sản phẩm bát, đĩa sứ gia dụng Minh Long là một trong những thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ chất lượng và thiết kế không thua kém sản phẩm nhập ngoại.
Chị Hoàng Nga, nhân viên cửa hàng sứ Minh Long (đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên) cho biết, các loại đồ sứ gia dụng Minh Long được sản xuất trên dây chuyền của châu Âu, bảo đảm tiêu chuẩn cao về chất lượng, có thân sứ cứng, mặt men bền chắc, trắng bóng, khó bám bẩn...
Bên cạnh bát, đĩa gốm sứ được sản xuất trong nước, hiện thị trường còn có nhiều sản phẩm gốm sứ nhập khẩu. Chị Việt Phương, kinh doanh gốm sứ, thủy tinh trên phố Hàm Long (quận Hoàn Kiếm) cho hay, đồ sứ gia dụng được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc... với thiết kế đẹp, sản phẩm phong phú. Các sản phẩm này đa số làm từ sứ xương có độ thấu quang cao, chất sứ trắng, trong, mịn, mỏng nhẹ, độ bền cao.
Chú ý nguồn gốc xuất xứ
Bát, đĩa, cốc, chén là dụng cụ ăn uống có tác động trực tiếp đến sức khỏe người dùng, do đó, mối quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình là chọn được sản phẩm đẹp, phù hợp túi tiền và đặc biệt là bảo đảm an toàn khi sử dụng.
Theo đó, các chuyên gia đồ gia dụng khuyến nghị, người mua cần ưu tiên cho những sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng, đã được đăng ký và kiểm tra chất lượng. Hiện nay, không ít sản phẩm bát, đĩa, cốc, chén trên thị trường không rõ nguồn gốc, có thể chứa hàm lượng chì vượt mức quy định, ảnh hưởng sức khỏe người dùng.
Có một số thương hiệu gốm sứ trong nước ngày càng khẳng định chất lượng, như gốm sứ Bát Tràng (thành phố Hà Nội), Minh Long (tỉnh Bình Dương), Long Phượng (tỉnh Bắc Ninh), Minh Châu (tỉnh Thái Bình), Chu Đậu (tỉnh Hải Dương)... Người tiêu dùng có thể căn cứ vào tem hợp quy CR để nhận biết sản phẩm đã được công bố hợp quy hay chưa.
Còn theo chị Ngô Thị Hậu (trú ở phố Giang Văn Minh, quận Ba Đình), một trong những tiêu chí khi mua bát, đĩa là càng ít hoa văn càng tốt và tốt nhất là chọn bát, đĩa có màu trắng hoàn toàn. Chị Việt Phương, kinh doanh đồ gốm sứ ở phố Hàm Long, cũng khuyên nên mua bát, đĩa dùng cho ăn uống hằng ngày với màu sắc ít sặc sỡ, hoa văn được trang trí điểm xuyết nhẹ nhàng. Điều này không chỉ giúp tránh nguy cơ nhiễm độc tố mà còn bảo đảm thẩm mỹ khi bày thức ăn trên mâm cơm.
Ngoài ra, theo chị Hoàng Nga, nhân viên cửa hàng gốm sứ Minh Long (đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên), các loại bát, đĩa, cốc, chén đạt tiêu chuẩn chất lượng được nung trong nhiệt độ lên đến trên 1.380 độ C, do đó có thể khử được độc tố, loại bỏ các tạp chất có hại, đem lại sự an toàn cho sức khỏe người dùng.
Khi mua bát, đĩa sứ, người mua có thể dùng ngón tay gõ lên bề mặt sản phẩm, nếu phát ra tiếng trong, giòn như tiếng kim loại là đồ tốt, còn nếu tiếng kêu đục và nặng thì đó là đồ chất lượng kém. Ngoài ra, có thể quan sát mặt ngoài của đồ sứ để xem độ sáng hay xỉn của màu men, tươi hay tối, đậm hay nhạt của các hình vẽ cùng các điểm đen, vết rạn nứt, qua đó biết chất lượng sản phẩm.
Để bảo đảm độ bền của bát, đĩa sứ, người dùng nên rửa bát, đĩa ngay sau khi sử dụng, tránh thức ăn để lâu gây mảng bám và hình thành vi khuẩn không tốt. Đồng thời nên dùng miếng rửa bát mút xốp mềm mại và tránh cọ rửa bằng miếng cước kim loại khiến bát đĩa bị trầy xước. Hầu hết sản phẩm gốm sứ đều có thể sử dụng máy rửa bát đĩa, tuy nhiên, các sản phẩm được mạ vàng hoặc vẽ tay các họa tiết như với sứ xương nên rửa bằng tay để giữ vẻ đẹp của sản phẩm.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tieu-chi-chon-bat-dia-an-toan-691356.html