'Tiêu chí' tuyển lãnh đạo ngân hàng SCB của bà chủ Vạn Thịnh Phát
Chỉ cần hiền lành, nghe lời, không 'quậy phá', những người có chuyên môn trong lĩnh vực tài chính sẽ được Trương Mỹ Lan đặt vào các vị trí lãnh đạo của Ngân hàng SCB, lãnh lương 200-500 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng và hàng tỷ đồng cổ phiếu.
Tại Cơ quan điều tra, bị can Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn VTP khai, trước năm 2011, Lan đã sở hữu/chi phối phần lớn cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa.
Để sáp nhập thành công ba ngân hàng (gồm cả Ngân hàng Đệ Nhất), thì bà ta phải sở hữu ít nhất 65% cổ phần trở lên để thông qua bỏ phiếu mới quyết định được việc hợp nhất ba ngân hàng, các cổ đông khác không chống đối được việc hợp nhất.
Trong khi đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một cá nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần của 1 ngân hàng nên Trương Mỹ Lan chỉ có thể đứng tên sở hữu gần 5% cổ phần, số còn lại phải nhờ những cá nhân, pháp nhân đứng tên cổ phần giúp mình, trong đó có cả những pháp nhân người nước ngoài như Nhật Bản, Singapore.
Thực hiện mưu đồ này, bà ta đi thu gom mua cổ phần Ngân hàng Đệ Nhất và nhờ người thân, quen đứng tên để họ không gây khó dễ. Đến cuối năm 2011, thời điểm trước khi hợp nhất Trương Mỹ Lan đã sở hữu/chi phối 80,46% cổ phần Ngân hàng Đệ Nhất; 98,74% cổ phần Ngân hàng Tín Nghĩa; 81,43 % cổ phần Ngân hàng Sài Gòn (cũ).
Tới ngày 01/01/2012, khi 3 ngân hàng hợp nhất thành Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan thông qua 74 pháp nhân, cá nhân đã sở hữu/chi phối 85,606% cổ phần Ngân hàng SCB, đồng thời là người nắm toàn bộ quyền lực, chi phối được SCB sau khi hợp nhất.
Sau khi thâu tóm SCB, Trương Mỹ Lan chọn nhân viên cũ từng làm trong Tập đoàn VTP hoặc người có chuyên môn về tài chính đảm nhận các vị trí chủ chốt tại SCB.
Trong đó, phải có sự đồng ý của Lan, các Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB qua các thời kỳ như Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành và Bùi Anh Dũng mới được bổ nhiệm.
Tiêu chí chọn lãnh đạo ngân hàng thì cũng khá đơn giản, như với Bùi Anh Dũng được Lan đồng ý làm Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB vì hiền lành, được lòng người.
Trương Mỹ Lan cho Trầm Thích Tồn làm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Trường Sơn, đến năm 2010 thì đưa Tồn làm Thành viên Hội đồng quản trị SCB (trước hợp nhất). Sau khi hợp nhất tiếp tục cho Tồn làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB.
Đối với Ban điều hành Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan cho Võ Tấn Hoàng Văn làm Phó Tổng Giám đốc. Rồi sau khi Lê Khánh Hiền, Tổng Giám đốc nghỉ việc, Lan đưa Võ Tấn Hoàng Văn lên làm Tổng Giám đốc theo đề nghị của Đinh Văn Thành.
Sau khi Võ Tấn Hoàng Văn nghỉ, Lan cho Hoàng Minh Hoàn làm quyền Tổng Giám đốc SCB, làm được 1 tháng thì Hoàng Minh Hoàn xin Trương Mỹ Lan cho nghỉ vì áp lực công việc. Đinh Văn Thành lại đề cử với Trương Mỹ Lan đưa Trương Khánh Hoàng lên làm quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB.
Ngoài ra, với các chức vụ nho nhỏ khác như Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, bà chủ VTP không cần 'lao tâm khổ tứ' chọn lựa, cứ theo đề cử của các cấp dưới thân tín mà duyệt.
Việc của bà ta là rút tiền mà SCB huy động được đem sử dụng riêng. Còn việc phải làm thế nào cho hợp thức để không bị phát hiện, lãnh đạo Ngân hàng SCB qua các thời kỳ sẽ chủ động phân công cán bộ nhân viên Ngân hàng SCB và những người liên quan thực hiện.
Trương Mỹ Lan khai nhận, tiền giải ngân các khoản vay từ SCB được sử dụng vào việc trả nợ gốc, lãi các khoản vay trước; trả nợ vay cho bạn bè, người thân mà Trương Mỹ Lan vay của họ; trả chi phí cho các hoạt động của Ngân hàng SCB (các khoản chi mà không thể hạch toán chi phí được); trả tiền mua lại các dự án, thường là các dự án đã mượn để thế chấp ngân hàng, sau đó Trương Mỹ Lan mua lại; trả tiền gốc lãi trái phiếu; chi phí tiền định giá tài sản, công chứng tài sản; chi trả tiền công cho những người đứng tên hộ các công ty, những người đứng tên hộ các khoản vay, những người đứng tên tài sản và chi vào nhiều các mục đích khác.
Cơ quan CQĐT Bộ Công an xác định, Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt số tiền trên 304.096 tỷ đồng, phạm tội Tham ô tài sản; ngoài ra, hành vi này còn gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh là gần 130.000 tỷ đồng.
Riêng đối với hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”, bà chủ VTP đã gây thiệt hại gần 64.000 tỷ đồng.
Biết sai nhưng vẫn làm
Theo lời khai của các lãnh đạo Ngân hàng SCB, họ đều biết rõ Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn VTP là cổ đông lớn, nắm giữ gần như tuyệt đối cổ phần Ngân hàng SCB.
Tuy không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng do là chủ ngân hàng, nên bà Lan có quyền điều hành ngân hàng này, trong đó có hoạt động cho vay, thông qua việc sắp xếp nhân sự, chỉ đạo, điều hành lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng SCB như Chủ tịch HĐQT, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc...
Đối với nghiệp vụ cho vay, SCB chủ yếu cho khách hàng vay theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, đối với nhóm khách hàng vay thông thường chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Họ thừa nhận biết rõ những khoản vay này là của các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái VTP của Trương Mỹ Lan do các khoản vay này đều có điểm chung là rút tiền của Ngân hàng SCB ra trước sau đó mới hoàn thiện hợp thức hồ sơ cho vay.
Thực tế các đơn vị tại Ngân hàng SCB không có việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường.
Họ hiểu rằng, việc mình và các cá nhân liên quan phải làm chỉ là tìm cách hợp thức hồ sơ để giải ngân, rút tiền cho cá nhân, pháp nhân trong hệ sinh thái Tập đoàn VTP theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Họ cũng hiểu, việc làm của mình trái với quy định pháp luật, chỉ nhằm mục đích rút tiền khỏi Ngân hàng SCB để cho bà Lan sử dụng vào mục đích riêng
Tuy nhiên, bà chủ Trương Mỹ Lan lại cũng rất biết cách tiêu tiền theo kiểu “mỡ nó rán nó”. Ngoài khoản lương hàng tháng từ 200-500 triệu đồng tùy vị trí, bà ta không tiếc tay vung tiền thưởng lễ, Tết. Theo kết luận điều tra, Trương Mỹ Lan và Tập đoàn VTP đã rút từ Ngân hàng SCB hơn 1 triệu tỷ đồng.
Khai tại CQĐT, bị can Bùi Anh Dũng-Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB giai đoạn từ tháng 12/2020 về sau thừa nhận ký vào các giấy tờ trên của SCB để cho nhóm VTP vay là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng quá trình làm việc tại SCB, ngoài tiền lương, tiền thưởng dịp lễ, Tết, Bùi Anh Dũng còn được Trương Mỹ Lan cho 500.000 cổ phiếu SCB, tương đương 5 tỷ đồng.
Và kết quả, Dũng cùng bị truy tố 2 tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến ngân hàng giống như bà chủ của mình.