Tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa 'sản xuất tại Việt Nam' không đơn giản

Việc xây dựng tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa 'sản xuất tại Việt Nam' cần được thiết kế linh hoạt, có lộ trình và có sự tham vấn rộng rãi với doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý chuyên ngành để đảm bảo tính khả thi và đồng thuận cao trong thực tiễn áp dụng.

Hiện nay, quy định về việc ghi nhãn xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất - nhập khẩu, vẫn được thực hiện theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP. Một trong những thông tin bắt buộc được thể hiện trên nhãn hàng hóa chính là cách ghi xuất xứ của hàng hóa như “Sản xuất tại”, “Chế tạo tại”, “Xuất xứ”, “Sản phẩm của”… kèm tên quốc gia hoặc vùng lãnh thổ.

Dự kiến xác định xuất xứ bằng 6 tiêu chí

Tuy nhiên, do chưa có tiêu chí cụ thể để xác định như thế nào là “hàng hóa sản xuất tại Việt Nam” đang gây khó khăn cho DN, cơ quan quản lý dễ dẫn đến gian lận xuất xứ. Do đó, cần thiết phải xây dựng tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.

Hiện chưa có tiêu chí cụ thể để xác định như thế nào là “hàng hóa sản xuất tại Việt Nam”

Hiện chưa có tiêu chí cụ thể để xác định như thế nào là “hàng hóa sản xuất tại Việt Nam”

Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự kiến cách xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước sẽ gồm 6 tiêu chí. Thứ nhất là sản phẩm có xuất xứ thuần túy gồm các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, khai khoáng, đánh bắt, tái chế,…được tạo ra hoàn toàn tại Việt Nam. Thứ hai là sản phẩm được sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam.

Thứ ba là sản phẩm gia công, chế biến làm thay đổi cơ bản nguồn gốc nguyên liệu. Có thể sử dụng nguyên liệu nhập khẩu nhưng nếu công đoạn cuối tại Việt Nam làm thay đổi mã số hải quan (mã HS) hoặc đạt tỷ lệ giá trị Việt Nam (VVC) theo quy định.

Thứ tư là sản phẩm không chấp nhận công đoạn gia công, chế biến đơn giản, ví dụ như công đoạn đóng gói, dán nhãn, lắp ráp đơn giản, trộn đơn giản,…

“Thứ năm là nguyên liệu không đáp ứng quá trình sản xuất hoặc gia công làm thay đổi mã số HS, nhưng vẫn được coi là hàng Việt nếu giá trị nguyên liệu không có xuất xứ bé hơn hoặc bằng 15% giá xuất xưởng. Thứ sáu là các yếu tố không cần xét đến, gồm các yếu tố không tính vào xuất xứ hàng hóa như nhiên liệu, chất xúc tác, dụng cụ thử nghiệm, đồng phục, thiết bị an toàn,…”, ông Hà nêu.

Việc xây dựng 1 hệ thống tiêu chí áp dụng chung cho tất cả các loại hàng hóa, nhằm xác định khi nào 1 sản phẩm được phép ghi “sản xuất tại Việt Nam” là một nhiệm vụ rất cần thiết, nhưng cũng không đơn giản. Bởi theo bà Bùi Thị Thùy Dương, Chuyên viên Ban Quản lý chất lượng và Đánh giá sự phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện có nhiều khó khăn gặp phải để áp dụng 1 tiêu chí chung, do đặc thù đa dạng và phức tạp của các ngành hàng, mỗi ngành hàng lại có đặc điểm sản xuất và cấu thành giá trị rất khác nhau.

“Việc áp dụng một tiêu chí “cứng” ví dụ như tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 30% hoặc 40% sẽ không phản ánh đúng thực chất của nhiều ngành hàng. Ngoài ra, việc xác định tiêu chí xuất xứ cho hàng hóa được xem là “sản xuất tại Việt Nam” còn gặp khó khăn trong vấn đề đo lường và kiểm tra thực tế. Đó là chưa nói đến việc xác định giá trị gia tăng nội địa, đòi hỏi các DN phải có hệ thống kế toán chi tiết, minh bạch, trong khi nhiều DN chưa đáp ứng được điều này”, bà Dương cho hay.

Do đặc thù đa dạng và phức tạp của các ngành hàng, sẽ khó có 1 tiêu chí xác định xuất xứ chung

Do đặc thù đa dạng và phức tạp của các ngành hàng, sẽ khó có 1 tiêu chí xác định xuất xứ chung

Tiêu chí xác định xuất xứ phù hợp xu thế chung

Đặc biệt bà Dương còn cho biết, việc ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam” không chỉ là vấn đề kỹ thuật, còn liên quan đến thị trường, thương hiệu, uy tín quốc gia và quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cũng gặp khó trong việc kiểm tra, xác minh các chỉ số kỹ thuật, như tỷ lệ giá trị, chuyển đổi mã HS, nguồn gốc nguyên liệu...

“Vì vậy, nếu xây dựng tiêu chí quy định quá phức tạp, hoặc tốn kém chi phí có thể gây áp lực cho các DN. Nhưng nếu không có hướng dẫn rõ ràng có thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các địa phương, gây chồng chéo và tình trạng khiếu kiện”, bà Dương bày tỏ.

Từ những vướng mắc nêu trên, bà Dương cho rằng, việc xây dựng tiêu chí xác định hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” là rất cần thiết, tuy nhiên cần được thiết kế linh hoạt, có lộ trình và phân loại theo nhóm ngành hoặc rủi ro. Đồng thời, cần có sự tham vấn rộng rãi với DN, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý chuyên ngành để đảm bảo tính khả thi và đồng thuận cao trong thực tiễn áp dụng.

Trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có diễn biến ngày càng phức tạp. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới.

Do đó, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu quy định các tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước. Qua đó giúp DN có căn cứ xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, làm cơ sở xây dựng thương hiệu, uy tín “sản phẩm của Việt Nam”.

“Điều này nhằm giữ vững thị phần hàng hóa của “sản phẩm Việt Nam” trên chính sân nhà, tránh phát sinh tranh chấp giữa bên lưu thông hàng và bên sử dụng hàng hóa trong nước. Đồng thời, phù hợp với xu thế chung toàn cầu khi nhiều quốc gia đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh, phòng chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ lợi ích của nhà nước, DN, nhà sản xuất và người tiêu dùng”, ông Sơn khẳng định.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tieu-chi-xac-dinh-xuat-xu-hang-hoa-san-xuat-tai-viet-nam-khong-don-gian-post1214288.vov