Nhiều giải pháp ổn định cuộc sống và công tác cán bộ sau hợp nhất

Tỉnh Vĩnh Long sau khi hợp nhất có gần 1.900 cán bộ, công chức, viên chức từ 2 tỉnh Bến Tre (cũ) và Trà Vinh (cũ) được điều chuyển về trung tâm hành chính mới. Trước nhu cầu lưu trú tăng cao trong khi chỗ ở công vụ, nhà lưu trú tạm thời chưa đủ, các sở, ngành đang tích cực đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để ổn định đời sống, đảm bảo hiệu quả công tác sau hợp nhất.

Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại phường Long Châu, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại phường Long Châu, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Công chức chủ động ổn định chỗ ở để hoàn thành công việc

Tại Trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Long, không khí làm việc của các cơ quan, sở, ngành diễn ra khẩn trương, tích cực. Vượt hơn 65 km, chị Trần Thị Phương Thảo (sống tại phường Bến Tre, viên chức UBND tỉnh) đến Trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Long (ở phường Long Châu) để làm việc. Chị Thảo cho biết, ngay sau điều chuyển, từng cán bộ, viên chức cơ quan đã bắt tay vào nhiệm vụ với tinh thần nghiêm túc. Dù có khó khăn ban đầu nhưng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các đồng nghiệp, chị chủ động tìm kiếm phòng trọ với giá cả hợp lý, tạm thời ổn định nơi ăn ở trong thời gian chờ hỗ trợ, quyết tâm từ ngày đầu không để gián đoạn các công việc được giao.

Qua ghi nhận của phóng viên TTXVN, nhu cầu tìm phòng trọ, nhà ở trên địa bàn các phường Long Châu, Phước Hậu... trong những ngày đầu tháng 7/2025 tăng cao. Tuy nhiên, số lượng phòng trống còn ít, nhất là các vị trí gần khu vực trung tâm và gần các khu hành chính.

Chị Nguyễn Thị Trường Ân, chủ nhà trọ tại phường Phước Hậu cho biết, hiện nay, khách hỏi thuê phòng rất đa dạng, từ công nhân, viên chức đến sinh viên, nhưng chủ yếu là cán bộ, công chức từ các tỉnh Bến Tre (cũ) và Trà Vinh (cũ) chuyển đến Trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Long làm việc. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao sau hợp nhất, nhiều chủ nhà trọ đã chủ động tân trang, mở rộng phòng; đồng thời siết chặt an ninh nhằm phục vụ tốt hơn cho khách thuê.

Dù nhu cầu nhà trọ tăng mạnh nhưng chị Ân và nhiều chủ trọ xung quanh không xem đây là cơ hội kinh doanh mà muốn chia sẻ để các cán bộ, nhân viên từ những địa phương ở xa đến có chỗ ở, yên tâm làm việc, cũng như sinh viên yên tâm học tập. Do đó, giá cho thuê được các chủ nhà trọ tính toán hợp lý, nhiều nơi không tăng giá so với trước kia. Theo chị Ân, hiện phân khúc nhà trọ có giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/phòng với diện tích 16 - 20 m2 (tiền điện, nước tính riêng) trở thành lựa chọn ưu tiên của phần đông khách thuê.

Đề xuất 2 phương án hỗ trợ

Theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long, nhu cầu về nhà ở công vụ sau hợp nhất là 266 người (cán bộ có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 và tương đương trở lên) và 1.629 nhà lưu trú cho cán bộ có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 và viên chức, người lao động.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Tiến cho biết, hiện số lượng nhà công vụ có thể bố trí là 181 (phòng, căn) cho 181 người, còn chỗ ở cho 85 người so với nhu cầu. Số lượng nhà lưu trú tạm có thể bố trí là 206 phòng cho 405 người, còn thiếu chỗ ở cho 1.224 người so với nhu cầu.

Do đó, Sở Xây dựng đã đề xuất 2 phương án hỗ trợ chỗ ở và chi phí đi lại cho cán bộ sau hợp nhất. Cụ thể, phương án 1, các trường hợp cán bộ, công chức có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên sẽ được miễn tiền thuê nhà (thu tiền điện, nước...) trong thời gian 3 năm sau khi chính thức hợp nhất tỉnh; sau thời gian trên sẽ thu 50% tiền thuê nhà theo đơn giá quy định. Trường hợp không đủ nhà công vụ để bố trí mà phải thuê nhà bên ngoài, Sở đề xuất hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ 3 năm sau khi chính thức hợp nhất tỉnh và bố trí xe công vụ đưa đón riêng.

Với cán bộ còn lại, nếu được bố trí nhà lưu trú sẽ được miễn phí thuê trong 3 năm; sau đó thu 50% tiền thuê nhà theo đơn giá cho thuê nhà bình quân của chung cư. Trường hợp không đủ nhà để bố trí phải tự tìm thuê nhà bên ngoài, Sở đề xuất hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 năm; đồng thời tổ chức xe đưa đón tập trung mỗi tuần một chuyến. Trường hợp tự túc di chuyển hoặc đi lại hằng ngày bằng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt) sẽ thực hiện khoán chi phí đi lại theo quy chế chi tiêu nội bộ của từng cơ quan, đơn vị.

Phương án 2, tỉnh hỗ trợ bằng 50% mức phụ cấp lưu trú theo quy định của Bộ Tài chính cho đối tượng hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên, tương đương khoảng 3,3 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ 30% mức phụ cấp lưu trú, tương đương khoảng 2,2 triệu đồng/người/tháng với các trường hợp còn lại. Thời gian hỗ trợ là 36 tháng ngay sau hợp nhất tỉnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Ngô Chí Cường, sau hợp nhất, khó khăn của địa phương là các trụ sở và nơi làm việc chưa đủ đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời, chỗ ở cho cán bộ ở xa đến Vĩnh Long làm việc cũng không đủ. Do vậy, tỉnh chỉ đạo những sở, ngành lưu ý, bộ phận nào chuyển ngay lên Vĩnh Long thì chuyển trước; bộ phận nào có thể làm việc trực tuyến tại tỉnh Bến Tre (cũ) và Trà Vinh (cũ) thì chuyển dân sau để giảm bớt áp lực chỗ làm việc, chỗ ở cho cán bộ, công chức ở xa.

Tỉnh Vĩnh Long đang khẩn trương sửa chữa, nâng cấp các trụ sở, nhà công vụ hiện có; nghiên cứu để xây dựng mới trụ sở làm việc, nhà công vụ nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc cho cán bộ, công chức nói chung. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức ở xa trong việc đi lại, thuê nhà trọ để ở tạm thời.

Chương Đài (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/nhieu-giai-phap-on-dinh-cuoc-song-va-cong-tac-can-bo-sau-hop-nhat-20250713125405736.htm