Từ 16/9/2025, xuất khẩu sữa sang Trung Quốc lưu ý quy định mới

Từ 16/9/2025, Trung Quốc chỉ công nhận sữa tiệt trùng làm từ sữa tươi nguyên liệu, không chấp nhận sản phẩm sử dụng sữa hoàn nguyên.

Xuất khẩu sữa sang Trung Quốc phải điều chỉnh quy trình sản xuất.

Xuất khẩu sữa sang Trung Quốc phải điều chỉnh quy trình sản xuất.

Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) cho biết, Trung Quốc đã ban hành Phụ lục sửa đổi số 1 đối với Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia liên quan đến sữa tiệt trùng (GB 25190-2010).

Phụ lục này có hiệu lực từ ngày 16/9/2025 với nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến việc sử dụng sữa hoàn nguyên trong sản xuất sữa tiệt trùng.

Theo đó, nội dung sửa đổi chủ yếu gồm: Bỏ quy định cho phép sử dụng sữa hoàn nguyên (sản phẩm pha lại sữa bột hoặc sữa cô đặc với nước) làm nguyên liệu cho sữa tiệt trùng; chỉ sử dụng sữa bò hoặc dê tươi làm nguyên liệu sữa tiệt trùng (bao gồm cả sữa tiệt trùng nhiệt độ cực cao (sữa UHT) và sữa tiệt trùng giữ nhiệt); bỏ các quy định liên quan đến yêu cầu kỹ thuật của sữa bột hoàn nguyên làm nguyên liệu; bỏ các quy định liên quan đến việc ghi nhãn sản phẩm có sử dụng sữa hoàn nguyên.

Như vậy, sau ngày 16/9/2025, các sản phẩm sử dụng sữa hoàn nguyên không còn được công nhận là sữa tiệt trùng theo tiêu chuẩn mới, đồng nghĩa với việc không thể tiếp tục xuất khẩu dưới nhóm mã hàng hiện tại.

Việc loại bỏ hoàn toàn cụm từ “sữa hoàn nguyên” ra khỏi tiêu chuẩn sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến cả thị trường nội địa lẫn hoạt động nhập khẩu.

Theo đó, các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ được phép sản xuất, ghi nhãn và phân phối các sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không được sử dụng sữa bột pha lại nếu vẫn muốn ghi nhãn là “sữa tiệt trùng”.

Chính sách này phù hợp với chiến lược tăng tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm cũng như thúc đẩy mô hình sản xuất theo chuỗi “tuần hoàn kép” mà Trung Quốc đang triển khai.

Việt Nam hiện vẫn sử dụng sữa hoàn nguyên trong sản xuất sữa tiệt trùng. Sự thay đổi này có ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu sữa của các doanh nghiệp vào thị trường tỷ dân.

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải nhanh chóng điều chỉnh công thức sản phẩm, quy trình sản xuất, hồ sơ, nhãn mác và chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng sữa tươi nguyên liệu nếu muốn tiếp tục duy trì xuất khẩu.

Các sản phẩm không kịp điều chỉnh sẽ phải ghi nhãn theo nhóm “sữa pha chế”. Ngoài ra, yêu cầu sử dụng sữa tươi còn dẫn đến việc thay đổi quy trình sản xuất, bảo quản, logistics và chuỗi lạnh để đảm bảo chất lượng nguyên liệu. Những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và khả năng giữ thị phần của sản phẩm sữa Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, thay đổi này có thể kéo theo hàng loạt chi phí phát sinh như nguyên liệu tăng cao, điều chỉnh hệ thống dây chuyền sản xuất, rủi ro về ổn định nguồn cung sữa tươi… ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh về giá và khả năng duy trì thị phần của sản phẩm sữa Việt Nam.

Với hơn 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sữa Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa tại đây đang không ngừng tăng trưởng, là điều kiện tốt để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nổi tiếng là thị trường khó tính với hàng loạt quy định pháp lý và tiêu chuẩn chất lượng khắt khe.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tu-1692025-xuat-khau-sua-sang-trung-quoc-luu-y-quy-dinh-moi-d329177.html