Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh:Doanh nghiệp cần cú hích về công nghệ

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, việc 'xanh hóa' sản xuất và tiêu dùng không còn là một lựa chọn mà đã trở thành xu hướng tất yếu.

Các nhà máy, trang trại trung hòa carbon, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải nhựa... là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của doanh nghiệp trên hành trình phát triển bền vững.

Trang trại Vinamilk Green Farm là mô hình thân thiện với thiên nhiên, nằm trong chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.

Trang trại Vinamilk Green Farm là mô hình thân thiện với thiên nhiên, nằm trong chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi

Vinamilk, công ty sữa hàng đầu Việt Nam, đã và đang thực hiện nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Năm 2023, hành trình "xanh" của Vinamilk đã được nhấn mạnh thông qua việc Vinamilk công bố lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero), với chương trình hành động "Vinamilk Pathway to Dairy Net Zero 2050". Lộ trình này bao gồm việc cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, 55% vào năm 2035 và tiến tới Net Zero vào năm 2050.

Vinamilk cũng là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014. Cụ thể, Nhà máy Sữa Nghệ An và Trang trại bò Sữa Nghệ An đã trung hòa tổng cộng 17.560 tấn CO2, tương đương với lượng hấp thụ của khoảng 1,7 triệu cây xanh. Đồng thời, triển khai sử dụng năng lượng tái tạo tại các nhà máy, bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối (biomass).

Tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh như từ CNG, Biomass, năng lượng mặt trời thay thế cho các nhiên liệu như xăng, dầu DO/FO… trong hoạt động sản xuất tại Vinamilk hiện đạt gần 87%, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm phát thải CO2. Các nhà máy của Vinamilk được trang bị hệ thống xử lý chất thải tiên tiến, bảo đảm 100% nước thải được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Điều này giúp giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước xung quanh khu vực nhà máy…

Tương tự, nhiều doanh nghiệp đã thành lập bộ phận nghiên cứu và đổi mới sáng tạo chuyên trách trong lĩnh vực này, tạo động lực mạnh mẽ cho chuyển đổi xanh. Điển hình là Tập đoàn Vingroup, với những khoản đầu tư lớn vào các dự án xe điện VinFast, giúp giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông và phát triển năng lượng tái tạo. Tập đoàn Masan Group cũng thực hiện các sáng kiến tái chế sản phẩm nhựa, đồng thời giảm chất thải và tăng cường sử dụng năng lượng xanh tại các nhà máy sản xuất.

Ngoài các doanh nghiệp trong nước, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Nestlé, Coca-Cola và Unilever cũng đã tích cực tham gia vào chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam. Các tập đoàn này ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất, tiết kiệm nước và giảm lượng rác thải trong chuỗi cung ứng, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Cần chung tay hành động

Dây chuyền tái chế rác thải nhựa của Công ty TNHH Nhựa tái chế Duy Tân. Ảnh: Minh Hải

Dây chuyền tái chế rác thải nhựa của Công ty TNHH Nhựa tái chế Duy Tân. Ảnh: Minh Hải

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia sâu rộng và cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về các chương trình hành động bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải quyết bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời đạt tốc độ phát triển vượt bậc. Điều này góp phần thúc đẩy cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về việc đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Để hiện thực hóa các cam kết này, cần có sự chung tay hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cùng với lộ trình thực hiện từ Chính phủ và cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, sản xuất xanh đang đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp. Chi phí đầu tư ban đầu lớn, cùng với quy trình sản xuất khắt khe và yêu cầu cao về nguyên liệu, khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn e ngại. Do đó, không ít doanh nghiệp chỉ dám thử nghiệm sản phẩm xanh ở quy mô nhỏ, dù đây là xu hướng tất yếu, đặc biệt khi hướng tới thị trường xuất khẩu. Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh với chi phí phù hợp vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam Lê Thị Hồng Nhi chia sẻ, mỗi năm, Unilever thu gom và tái chế từ 13.000 đến 15.000 tấn rác thải nhựa, đưa trở lại vào sản xuất. Hiện, hơn 70% bao bì của doanh nghiệp có thể tái chế, nhiều nhãn hàng như Sunlight đã sử dụng 100% nhựa tái chế để sản xuất bao bì.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn là công nghệ tái chế tại Việt Nam còn chưa phát triển, số lượng nhà cung cấp nguyên liệu tái chế đạt chuẩn quốc tế hiện quá ít. “Do vậy, Unilever kỳ vọng Nhà nước sẽ sử dụng quỹ môi trường để đầu tư cho công nghệ tái chế hiện đại, đồng thời có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong sản phẩm, bao bì”, bà Lê Thị Hồng Nhi kiến nghị.

Về vấn đề này, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Nguyễn Thị Bích Hường cho biết, VINASME đang xây dựng bộ tiêu chí ESG (Tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) riêng cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, với kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ tiếp cận tiêu dùng bền vững một cách thực chất. Công nghệ chính là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu ESG. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ cần ứng dụng hiệu quả những thành tựu khoa học - công nghệ đã đủ tạo ra hiệu quả kinh doanh.

Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng sẽ tạo hành lang thuận lợi, nhưng cần thêm cơ chế hỗ trợ phù hợp với năng lực thực tiễn của doanh nghiệp nhỏ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh, công nghệ không chỉ giúp tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm tác động môi trường, mà còn nâng cao năng suất, khả năng truy xuất nguồn gốc, tiết kiệm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh.

Để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Chương trình này nhấn mạnh việc thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, khuyến khích phát triển nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; đồng thời thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Quang Minh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tieu-dung-ben-vung-huong-den-ky-nguyen-xanh-doanh-nghiep-can-cu-hich-ve-cong-nghe-708151.html