Tiêu dùng trong nước tăng chậm và góc nhìn các chuyên gia
Số liệu cho thấy nhu cầu trong nước đang phục hồi chậm, gây lo ngại khó có thể là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế 2024.
Khu vực tiêu dùng trong nước được kỳ vọng là một trong những động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế 2024. Nhu cầu trong nước được dự báo sẽ sự phục hồi khi các ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương được cải thiện trong năm 2024. Ngoài ra, Quốc hội đang thảo luận tiếp tục giảm 2% thuế VAT để kích cầu.
Tuy nhiên, số liệu cho thấy nhu cầu trong nước đang phục hồi chậm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10 tăng 1,6% so với tháng trước lên 536.326 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 7%, giảm so với mức tăng trưởng 8,2% của tháng trước.
Tính từ đầu năm, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ số này tăng 6,9%, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 8,5% trong giai đoạn 2016 - 2019 (trước COVID-19).
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt lưu ý doanh số bán lẻ hàng hóa khác (hàng chăm sóc cơ thể, đồ trang sức, đồng hồ đeo tay, dịch vụ cắt tóc, gội đầu,...) được xem là một chỉ báo việc người dân đang nới lỏng hay tiết kiệm chi tiêu đã không tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp.
Xét giai đoạn từ năm 2013 đến nay, chỉ số này cũng chưa từng xuống thấp như vậy ngoại trừ trong hai năm 2020 và 2021.
Lỗi của người giàu là 3,5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài
Tại hội thảo mới đây, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng lưu ý tốc độ tăng trưởng của khu vực tiêu dùng đang chậm lại.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,44%, tương đương cùng kỳ năm 2022.
Nhưng đến 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).
10 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,7%).
Trong khi đó năm 2022, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (sau khi đã loại trừ yếu tố giá) tăng 9 - 10%. Theo TS. Võ Trí Thành, chỉ số này năm ngoái có sự đóng góp lớn của người tiêu dùng Việt do khi đó khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều, chỉ hơn 3,6 triệu khách.
"Năm nay tốc độ tăng tiêu dùng chậm lại rõ rệt, mức tăng này đã có đóng góp của hơn 11 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Hầu bao của người Việt đang giảm nhanh, trong đó lỗi của người giàu là gần 3,5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài", ông Thành nói.
Tại hội thảo Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2024 do FiinGroup tổ chức chiều 22/11, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho hay cầu tiêu dùng nội địa đang hồi phục nhưng vẫn còn yếu do vấn đề việc làm và lãi suất tiết kiệm thấp.
"Môi trường lãi suất tiết kiệm thấp và hạn chế tín dụng dẫn đến chi tiêu giảm đã tác động đến cầu tiêu dùng và doanh thu bán lẻ. Ngoài ra thu nhập người dân bị ảnh hưởng, một phần vì hệ lụy cắt giảm đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời, những diễn biến tiêu cực gần đây trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng gây ra những hệ lụy nhất định", Chủ tịch FiinGroup nói.
Tuy nhiên theo ông Thuân, một điểm tích cực là tăng trưởng doanh thu thuần của tất cả các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng trên thị trường chứng khoán đang hồi phục.
Ở một góc nhìn khác, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng các vấn đề của thị trường bất động sản là một trong những lý do ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng.
"Thị trường bất động sản lao dốc kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có sự sụt giảm rất lớn về nhu cầu tiêu dùng. Có thể người dân chưa hết tiền tích lũy, cũng không phải đã không còn khả năng chi tiêu nhưng vì sự sụt giảm trong thị trường bất động sản dẫn đến xu hướng hạn chế tiêu dùng. Niềm tin, dự định về nguồn thu trong tương lai của người dân bị sụt giảm", ông nói.