Tiểu thương 'kêu cứu' vì bị thu hồi lại các quầy dịch vụ tại Đà Nẵng: Cần xem xét sự việc thấu tình đạt lý!

12 năm 'cống hiến' góp phần vào sự phát triển ngành du lịch Đà Nẵng, các tiểu thương đang kinh doanh tại Công viên Biển Đông và Lăng Ông, thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà lại đứng trước nguy cơ thua lỗ hàng tỷ đồng vì bị chính quyền ra thông báo thu hồi quầy dịch vụ.

Vay mượn, cầm cố để...đầu tư du lịch

Vào năm 2012, UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương triển khai thí điểm các quầy dịch vụ ẩm thực - hàng lưu niệm tại các bãi biển du lịch Đà Nẵng, nhằm quảng bá du lịch thành phố cũng như phát triển các điểm du lịch bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Nhằm hiện thực hóa chủ trương này, vào tháng 5/2012, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 3426 thí điểm mở 6 quầy dịch vụ ẩm thực - hàng lưu niệm tại khu vực Công viên Biển Đông và Lăng Ông, thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Trong công văn này, UBND Đà Nẵng không đề cập tới thời gian thí điểm.

 Các quầy dịch vụ tại Công viên Biển Đông, Đà Nẵng. (Ảnh: Việt Vũ)

Các quầy dịch vụ tại Công viên Biển Đông, Đà Nẵng. (Ảnh: Việt Vũ)

Sau 1 năm, 6 quầy dịch vụ đầu tiên đã mang lại một số hiệu quả nhất định, góp 1 phần công sức cho du lịch Đà Nẵng phát triển. Vì vậy, vào tháng 3/2013, UBND Đà Nẵng tiếp tục bàn hành Công văn 1967, mở thêm 5 quầy ẩm lực, lưu niệm khác. Đáng lưu ý, trong công văn mới không còn đề cập tới việc thí điểm.

Qua trao đổi với phóng viên, các tiểu thương đang kinh doanh tại đây cho biết: Cách đây 12 năm, khu vực Công viên Biển Đông hiện nay vẫn còn hoang vắng, chưa có sản phẩm du lịch và chỗ dừng chân cho khách du lịch thăm quan.

Vì vậy, UBND Đà Nẵng đã tham khảo mô hình nước ngoài, khuyến khích người dân và các doanh nghiệp tại địa phương tự bỏ vốn đầu tư vào các quầy dịch vụ. Tuy nhiên, do không phải là địa điểm “hot”, chi phí đầu tư ban đầu lại cao, nên lời kêu gọi này không được nhiều người dân và các doanh nghiệp Đà Nẵng hưởng ứng.

Chỉ có một số ít tiểu thương chấp nhận rủi ro tự bỏ tiền túi ra rót vốn vào đây. Một số ít phải vay mượn từ nhiều nơi, thậm chí còn phải cầm cố nhà cửa để đủ số tiền đầu tư ban đầu, khoảng 150 - 200 triệu đồng/quầy, cá biệt có tiểu thương đầu tư 300 triệu đồng/quầy.

Sau 12 năm, khu vực bãi biển thuộc Công viên Biển Đông từ một bãi biển ''hoang vắng'' nay đã trở thành một trong những địa điểm hút khách du lịch bậc nhất của thành phố Đà Nẵng. Để được “quả ngọt” như ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ các quầy ẩm thực tại đây.

Trả lời báo chí cách đây 1 năm, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng đã thừa nhận sự đóng góp của tổ chức, cá nhân là những người tiên phong trong việc kinh doanh dịch vụ ẩm thực, lưu niệm ven biển góp phần thúc đẩy phát triển du lịch biển.

Chưa thu 'quả ngọt' đã nhận thông báo thu hồi

Tuy nhiên, các tiểu thương khẳng định, để có được “quả ngọt” như hôm nay, nhiều người đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, trong 12 năm tồn tại, 5 năm đầu các quầy chỉ lỗ và lỗ, nhiều người bông đùa rằng, các quầy mở ra để “chơi với ma” vì nơi đây vào buổi tối rất vắng vẻ, đìu hiu khắc hẳn không khí nhộn nhịp vào ban ngày. Đến năm 2017, du lịch Đà Nẵng bùng nổ, các quầy kinh doanh tạm gọi là ổn định.

 Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng đã thừa nhận sự đóng góp của tổ chức, cá nhân là những người tiên phong trong việc kinh doanh dịch vụ ẩm thực. (Ảnh: Việt Vũ)

Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng đã thừa nhận sự đóng góp của tổ chức, cá nhân là những người tiên phong trong việc kinh doanh dịch vụ ẩm thực. (Ảnh: Việt Vũ)

Sang năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch Việt Nam và cả Đà Nẵng bị thiệt hại nặng. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, các quầy kinh doanh đều phải đóng cửa.

Tới tháng 3/2022, khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, Việt Nam mở cửa lại du lịch, các tiểu thương liên tục chịu đả kích lớn từ nhiều phía.

Thứ nhất, năm 2022, du lịch bắt đầu mở cửa trở lại, nhưng lượng du khách vẫn rất thưa thớt. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL) yêu cầu các quầy phải mở cửa 24/7, không được đóng cửa. Nếu đóng cửa 3 ngày liên tục sẽ buộc phải trả lại mặt bằng.

Thứ hai, sau hơn 2 năm dịch bệnh và phải đóng cửa, các quầy hàng bị hư hỏng rất nặng. Vì vậy, trong một cuộc họp vào đầu năm 2023, Ban quản lý yêu cầu các tiểu thương phải tự bỏ tiền sửa chữa, tu bổ lại hoàn toàn theo đúng hiện trạng ban đầu. Chi phí ước tính cho lần sửa chữa này lên tới 150 - 300 triệu đồng, tùy quầy.

Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc quá trình tu sửa, thì tới tháng 10/2023, Ban Quản lý bất ngờ thông báo sẽ thu hồi lại các quầy dịch vụ tại khu vực Công viên Biển Đông để tổ chức đấu giá, giao cho các đơn vị khác thuê.

Tại Công văn 950 ban hành vào ngày 20/10/2023, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: Việc thu hồi mặt bằng các quầy kinh doanh tại khu vực Công viên Biển Đông và Lăng Ông là dựa theo Nghị quyết số 103 của HĐND Đà Nẵng và Quyết định số 935 của UBND thành phố Đà Nẵng.

Trong Công văn này, Ban quản lý yêu cầu các quầy kinh doanh phải hoàn trả mặt bằng trước ngày 30/11/2023.

Trước yêu cầu của Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, các tiểu thương tại đây đã có đơn khiếu nại gửi UBND Đà Nẵng, Sở Du lịch Đà Nẵng, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng...

Ngày 15/1/2024, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 05, trong đó có nội dung về việc thu hồi các thông báo thu hồi mặt bằng trước đó đã ban hành.

''Tối hậu thư'' yêu cầu các tiểu thương tháo dỡ công trình

Tưởng chừng giữa chính quyền và các tiểu thương đã tìm được 'tiếng nói chung' thì vào ngày 15/5, Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam bất ngờ thông báo đấu giá tài sản quyền thuê 10 quầy lưu niệm tại Công viên Biển Đông. Tên người có tài sản là Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi điển du lịch Đà Nẵng.

 Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam bất ngờ thông báo đấu giá tài sản quyền thuê 10 quầy lưu niệm tại Công viên Biển Đông, các tiểu thương không hề hay biết. (Ảnh: MH)

Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam bất ngờ thông báo đấu giá tài sản quyền thuê 10 quầy lưu niệm tại Công viên Biển Đông, các tiểu thương không hề hay biết. (Ảnh: MH)

Chỉ khi một trong những tiểu thương tại đây vô tình phát hiện, Ban Quản lý mới mời từng tiểu thương lên họp thông báo chủ trương mới của UBND thành phố Đà Nẵng.

Đồng thời, Ban Quản lý cho biết việc đấu giá các quầy ẩm thực, lưu niệm sẽ được thực hiện xong trong tháng 7 và đưa ra “tối hậu thư” buộc các tiểu thương phải tháo gỡ công trình trước ngày 30/9/2024.

Điều lạ lùng hơn nữa, chỉ 1 tuần sau đăng tải thông tin đấu giá, vào ngày 20/5, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam, đơn vị tổ chức đấu giá quyền thuê mặt bằng tại Công viên Biển Đông thông báo hủy bỏ đấu giá.

 Chỉ 1 tuần sau đăng tải thông tin đấu giá, vào ngày 20/5, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam, đơn vị tổ chức đấu giá quyền thuê mặt bằng tại Công viên Biển Đông thông báo hủy bỏ đấu giá. (Ảnh: MH)

Chỉ 1 tuần sau đăng tải thông tin đấu giá, vào ngày 20/5, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam, đơn vị tổ chức đấu giá quyền thuê mặt bằng tại Công viên Biển Đông thông báo hủy bỏ đấu giá. (Ảnh: MH)

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Hà Nam, Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho biết chưa nắm rõ được thông tin liên quan tới vụ việc. Vì vậy, ông Hà Nam cử đơn vị phụ trách trả lời về vấn đề này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: Việc Ban đưa ra các thông báo thu hồi là phù hợp với chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Vũ, cách đây 12 năm, khi phát triển loại hình này, thành phố có kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp cùng thành phố thực hiện việc thí điểm. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, thành phố có chủ trương kết thúc thí điểm nên yêu cầu các hộ kinh doanh phải tháo dỡ kết cấu, trả lại mặt bằng cho bản quản lý.

“Chúng tôi đang thực hiện theo đúng chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng về việc kết thúc thí điểm, tổ chức đấu giá công khai, lựa chọn các đơn vị theo đúng quy định trong việc sử dụng tài sản công”, ông Vũ nói.

Liên quan tới vấn đề bất ngờ có thông báo đấu giá tài sản quyền thuê 10 quầy lưu niệm tại Công viên Biển Đông, ông Trần Đại Nghĩa, Phó Trưởng ban khẳng định: Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam đã làm sai và phải tự chịu trách nhiệm về thông tin đó.

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tieu-thuong-keu-cuu-vi-bi-thu-hoi-lai-cac-quay-dich-vu-tai-da-nang-can-xem-xet-su-viec-thau-tinh-dat-ly-post297543.html