Tiểu thuyết dã sử về đại án tham nhũng từng gây chấn động triều Nguyễn

Khói giăng đầu núi, chim hót cuối non, cây xanh xanh cỏ mướt mướt, tốt tươi một vùng trời, khung cảnh vừa hùng vĩ vừa bình yên của xứ Nam Việt ấy là khởi đầu của câu chuyện trinh thám dã sử với nhan đề 'Ngự tiền quan án: Đại án Quảng Nam' của tác giả Lương Hoài Trọng Tính.

Dưới triều Nguyễn, tham nhũng trở thành một vấn nạn của quốc gia. Tình trạng quan tham, nhũng nhiễu xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt là tại các địa phương.

Năm 1855, vua Tự Đức cho xét xử đại án tham nhũng ở tỉnh Quảng Nam. Vụ án có tới hơn 70 quan lại bị kết tội, trong đó xử tội chết 17 người, thậm chí có người chết cũng không thoát tội. Nội dung vụ án được sử liệu Châu bản triều Nguyễn và chính sử Đại Nam thực lục ghi chép tương đối rõ. Vụ đại án này đã trở thành nguồn cảm hứng cho tác giả ra đời tiểu thuyết dã sử Ngự tiền quan án: Đại án Quảng Nam.

Buổi ra mắt sách Ngự tiền quan án: Đại án Quảng Nam.

Buổi ra mắt sách Ngự tiền quan án: Đại án Quảng Nam.

Chia sẻ với phóng viên Người Đô Thị về nguồn cảm hứng này, tác giả Lương Hoài Trọng Tính cho biết:“Là một người đam mê lịch sử, nhất là những giai thoại xưa, khi lật giở những trang sử liệu, tôi cảm thấy đề này này rất nhiều “đất” để phát triển trong đời sống hiện đại khi mà nhu cầu của người đọc, người xem về cổ trang lịch sử phát triển. Từ đó, bằng cảm hứng muốn đưa những giá trị xưa cũ của lịch sử được nhiều người tiếp cận hơn, bằng nhiều góc nhìn khác nhau, tôi muốn truyền cảm hứng bằng việc sử dụng sử liệu để viết tiểu thuyết”.

Khác với những cuốn sách dã sử khác, Ngự tiền quan án: Đại án Quảng Nam khai thác biến cố lịch sử lớn trong lòng triều đại - vụ án tham nhũng. Tái hiện lại không khí của một thời kỳ phòng chống tham nhũng, một nỗ lực cải cách của Vua Tự Đức trong giai đoạn quốc gia trên dưới không đồng lòng, nội bộ lục đục.

Cuốn sách không chỉ chạm tới vấn đề nhức nhối của xã hội mà nhờ vào việc sử dụng linh hoạt từ ngữ địa phương, từ ngữ xưa cũ xen kẽ vào những lời thơ văn cổ một cách điêu luyện, tác giả đã tạo nên một bức tranh tổng hòa xuyên suốt cho trải nghiệm đọc của độc giả.

Với quan niệm “lịch sử là một cái gương soi chiếu để ta tránh đi những vết xe trong quá khứ” tác giả Lương Hoài Trọng Tính cho rằng, vấn nạn quan tham vào đời nào cũng vậy, nếu như tràn lan thì lợi ích của quốc gia, xã hội sẽ bị mất đi nhiều thứ. “Thông qua tiểu thuyết này, tôi muốn chúng ta có một góc nhìn về xã hội cũ cũng như hướng tới tương lai bằng việc tránh đi những việc không tốt để phải nhận lấy trái đắng không hay”, tác giả cho hay.

Bìa cuốn tiểu thuyết Ngự tiền quan án: Đại án Quảng Nam.

Trong Ngự tiền quan án: Đại án Quảng Nam, tác giả cũng đã dành nhiều tâm huyết để gợi tả những khung cảnh thiên nhiên gấm vóc của đất nước bằng việc truyền tải những nét đẹp văn hóa tinh thần của người Việt thông qua thơ ca, kiến trúc... tất cả tạo nên một bối cảnh hấp dẫn, dễ dẫn dắt người đọc cùng hòa mình vào câu chuyện.

Với lợi thế nghiên cứu sâu về kiến trúc - văn hóa miền Nam, tác giả không chỉ làm sống lại thời kỳ phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam bằng ngôn ngữ mà còn tái hiện nó bằng những phân đoạn miêu tả kỹ lưỡng trang phục, lối bài trí cung đình và cả phong cảnh của thời kỳ lúc bấy giờ.

Được biết đến là một tác giả trẻ đam mê tìm hiểu văn hóa Việt, cho đến nay Lương Hoài Trọng Tính đã có cho mình năm cuốn sách viết về đề tài này. Tác giả 9X tâm niệm: “Văn hóa Việt Nam là một bầu sữa lớn đã chăm dưỡng cho con người Việt Nam, bằng việc khai thác những nét đẹp của đất nước, tôi muốn truyền tải đến người đọc các giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần của Việt Nam qua sử liệu, qua truyện đọc, để tiếp cận dễ hơn với độc giả, từ đó khơi gợi thêm sự yêu thích và tìm hiểu về văn hóa truyền thống nhiều hơn”.

Lương Hoài Trọng Tính sinh năm 1997 tại Trà Vinh trong một gia đình gia giáo. Từ nhỏ Tính đã được ông bà dạy về văn hóa xưa, từ cách mặc áo dài sao cho đẹp, ăn nói, đi đứng sao cho hay và rất nhiều phong tục tập quán giá trị khác.

Vào đại học, cậu sinh viên ngành Quy hoạch đô thị (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) này dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu, thu thập tài liệu về cách ăn mặc, sinh hoạt và lối tiêu khiển của người xưa. Từ đó, anh đã nuôi lớn hoài bão phục dựng lại giá trị văn hóa, lịch sử Việt.

Năm 2017, Lương Hoài Trọng Tính và những người bạn thành lập trang mạng xã hội Đại Nam hội quán - một trang mạng xã hội đăng tải những câu chuyện, hình ảnh xưa cũ lên Facebook. Hiện nay, Đại Nam hội quán đã thu hút được hàng ngàn lượt theo dõi.

Huyền Thương

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tieu-thuyet-da-su-ve-dai-an-tham-nhung-tung-gay-chan-dong-trieu-nguyen-42016.html