Tạo sức hút mạnh mẽ dòng vốn FDI
Thành phố Hồ Chí Minh đã sáp nhập với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành siêu đô thị, tiếp tục vai trò đầu tàu kinh tế phát triển năng động, đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Công nhân làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn JUKI (chuyên sản xuất linh kiện máy khâu) tại Khu chế xuất Tân Thuận, phường Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Thành phố Hồ Chí Minh mới được kỳ vọng là “cú huých” giúp dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Trong sáu tháng đầu năm 2025, tổng thu hút vốn FDI của Thành phố Hồ Chí Minh (sau sáp nhập) đạt hơn 5,2 tỷ USD. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh (cũ) đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng 123,1% so với cùng kỳ năm 2024. Một số dự án FDI tiêu biểu trong nửa đầu năm trên địa bàn thành phố như: Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị sản xuất vi mạch của Công ty Be Semiconductor Industries N.V (tổng vốn đầu tư đăng ký là 42 triệu USD), dự án Data Center của Tập đoàn CMC (tổng vốn đầu tư đăng ký 250 triệu USD), dự án Amazon Data Services Việt Nam (đầu tư tăng vốn thêm 48 triệu USD), dự án Dược phẩm GSK Việt Nam (đầu tư tăng vốn thêm 133 triệu USD).
Trước khi sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh luôn đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI, với lũy kế hơn 59,7 tỷ USD vốn FDI đăng ký còn hiệu lực. Nhiều tập đoàn tên tuổi như: Intel, Samsung, Lotte, Aeon, Keppel Land... đã chọn Thành phố Hồ Chí Minh làm cứ điểm đầu tư chiến lược. Trong khi đó, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu (lần lượt thu hút được gần 42,9 tỷ USD và gần 38,2 tỷ USD) cũng có mặt trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về vốn FDI. Số liệu trên cho thấy sức hấp dẫn của khu vực này đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Sau đợt sáp nhập vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh mới với quy mô dân số khoảng 14 triệu người, tổng diện tích gần 6.800km² trở thành siêu đô thị, là trung tâm kinh tế tích hợp toàn diện, kết nối sức mạnh của ba tỉnh, thành phố cũ. Với tầm nhìn quy hoạch và đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính, dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Bình Dương đóng vai trò là động lực phát triển công nghiệp hiện đại. Bà Rịa-Vũng Tàu là cửa ngõ logistics quốc tế với hệ thống cảng nước sâu và phát triển du lịch biển.
Các lợi thế này sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh tại đây hoạt động thuận tiện, hiệu quả hơn. Điều này mang lại kỳ vọng giúp khu vực thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư, không chỉ về số lượng, mà còn về chất lượng. Ông Warrick Cleine MBE, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành KPMG Việt Nam (chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế, tư vấn và pháp lý) khẳng định: “Việt Nam đang trở thành điểm đến hàng đầu cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển dịch chuỗi cung ứng. Việc sáp nhập tại Thành phố Hồ Chí Minh tạo ra một thị trường lớn hơn, đồng bộ hơn, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi triển khai các dự án quy mô lớn và dài hạn”.
Tạo mọi ưu đãi cho nhà đầu tư
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết: Để thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế; đồng thời, thành phố sẽ tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và FDI, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông tin, ngay sau sáp nhập ba địa phương, thành phố tiến hành rà soát, hoàn thiện danh mục dự án thu hút đầu tư để thúc đẩy và kêu gọi đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên như: Cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Được, để đẩy nhanh việc thu hút các nhà đầu tư FDI lớn tham gia vào lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, thành phố đang hoàn thiện các quy định liên quan danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược. Thành phố Hồ Chí Minh cam kết giảm mạnh thời gian xử lý hồ sơ đầu tư. Thí dụ, thời gian cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hồ sơ góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế giảm từ 15 ngày xuống còn 7 ngày làm việc; cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 3 ngày còn 1 ngày làm việc.
Một trong những giải pháp trọng tâm của Thành phố Hồ Chí Minh đề ra từ nay đến cuối năm 2025 nhằm gia tăng sức hút các nhà đầu tư là tập trung đôn đốc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông trọng điểm, kết nối vùng. Thành phố đề ra mục tiêu rút ngắn tối thiểu 30% thời gian thực hiện công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở các dự án, công trình. Thành phố ưu tiên các dự án trọng điểm, cấp bách như: Dự án nút giao thông An Phú; dự án Vành đai 2 (đoạn 1 và đoạn 2); dự án thành phần 1 và 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài…
Song song đó, thành phố xây dựng và phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh thương mại hóa 5G, nghiên cứu công nghệ 6G. Thành phố sẽ thực hiện dự án điều khiển giao thông tự động với giải pháp kỹ thuật số song sinh Digital Twin có ứng dụng AI thế hệ mới cho khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và khu vực trung tâm thành phố.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-suc-hut-manh-me-dong-von-fdi-post892985.html