Tìm cơ hội cho làng nghề truyền thống

Làng Ông Hải (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) những ngày này không khí rất rộn rã. Người làng tất bật những đợt hàng cuối cùng. Những chiếc mặt nạ giấy, sư tử, lân, thỏ…xếp đầy trên sân để chuẩn bị đưa ra thị trường đúng dịp Trung thu 2024. Có thể nói, sau thời gian trầm lắng, nhiều làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị thế. Và việc cần làm hiện nay là mở thêm cơ hội để làng nghề phát triển.

Người dân làng nghề Báo Đáp (huyện Nam Trực, Nam Định) tất bật cho mùa Trung thu. Ảnh. P. Sỹ.

Người dân làng nghề Báo Đáp (huyện Nam Trực, Nam Định) tất bật cho mùa Trung thu. Ảnh. P. Sỹ.

Những con số ấn tượng

Hiện cả nước có hơn 2.000 làng nghề, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. Trong đó, có hơn 1.400 làng nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống; 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều biến động, việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ giúp duy trì các giá trị văn hóa lâu đời mà còn góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hà Nội được mệnh danh là “đất trăm nghề” - là một trong những thành phố tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước. Theo thống kê hồi tháng 5 vừa qua, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề; trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã gồm 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề.

Không chỉ là không gian kết tinh, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử mà làng nghề góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Minh chứng là doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm, một số làng nghề có doanh thu cao trên 1.000 tỷ đồng như: làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá đạt 1.200 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, nhiều làng nghề còn có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, thu hút đông đảo du khách. Điển hình như làng làm đồ chơi trung thu làng Ái Hậu, nặn tò he ở Phú Xuyên, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh...

Nghệ nhân chế tạo gốm tại làng gốm Kim Lan (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội) Ảnh. P. Sỹ.

Nghệ nhân chế tạo gốm tại làng gốm Kim Lan (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội) Ảnh. P. Sỹ.

Câu chuyện của các làng nghề

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng các làng nghề truyền thống vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước đôi khi chưa thực sự đến được với các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Một thách thức nữa là nguồn nhân lực. Nhiều làng nghề thiếu hụt lao động trẻ, có tay nghề cao do xu hướng di cư lên thành phố hoặc làm việc trong các ngành công nghiệp khác. Môi trường làng nghề cũng là một thách thức không nhỏ…

Một khó khăn nữa chính là tìm thị trường tiêu thụ. Bởi lẽ, sản phẩm của làng nghề truyền thống có giá thành cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Đây là một thực tế khiến cho hàng Việt truyền thống chưa thể đến nhiều với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Anh, Mỹ, Pháp và Đức.

Đáng nói là các làng nghề hiện nay phát triển manh mún, nhỏ lẻ, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, do thiếu thông tin nên việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ còn chậm. Hiện nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một.

Như làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng từng được coi là thủ phủ sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống mỗi dịp rằm tháng 8. Tuy nhiên do cơn bão đồ chơi nhập khẩu, theo thời gian, làng nghề ngày càng đìu hiu.

Bà Nguyễn Thị Tuyến - người còn đang giữ được nghề cuối cùng của làng chia sẻ, bà còn làm nghề là vì tình yêu, sự đam mê với nghề, chứ làm nghề giờ đủ ăn đã khó chứ chưa nói đến làm giàu. Bà Tuyến cũng không khỏi trăn trở nguy cơ về một làng nghề Hậu Ái truyền thống trong quá khứ trước đây sẽ chỉ còn trong ký ức.

Hay như nghề làm chuồn chuồn tre ở làng Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) nổi tiếng từ lâu. Trao đổi với phóng viên, nghệ nhân Đỗ Văn Liên - người đầu tiên mang nghề thủ công làm chuồn chuồn tre về với Thạch Xá cho biết, có những thời điểm cả làng Thạch Xá gần như hộ nào cũng làm chuồn chuồn tre để kiếm thêm thu nhập, vì sản phẩm độc đáo, đa sắc màu. Tuy nhiên, hiện nay còn số ít gia đình giữ được nghề. Nhìn làng nghề cận những ngày Tết Trung thu vẫn hiu hắt mà chạnh lòng.

Còn tại Nam Định, thôn Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực) nức tiếng cả nước với nghề làm đèn ông sao truyền thống. Đã có những thời điểm, trước sức ép của các loại đồ chơi trung thu ngoại nhập, nghề làm đèn ông sao của làng Báo Đáp đứng trước nguy cơ mai một.

Thế nhưng năm gần đây, khi các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm và phát huy trở lại, thì mặt hàng đồ chơi trung thu được làm thủ công cũng tìm được vị thế vốn có của mình. Và rồi những chiếc đèn ông sao lại có thể nuôi sống người làm nghề. Số hộ quay trở lại làm đèn đang có xu hướng tăng dần theo từng năm.

Quạt lá đề Thạch Xá. Ảnh: Lê Minh.

Quạt lá đề Thạch Xá. Ảnh: Lê Minh.

“Luật hóa” để phát triển

Nhiều ý kiến đồng tình rằng, để làng nghề có thể phát triển bền vững, cần thiết phải có một khung pháp lý thuận lợi và một môi trường kinh doanh cởi mở. Và việc xây dựng Luật Làng nghề là rất quan trọng, nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn theo hướng hài hòa lợi ích.

Theo GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cần xây dựng và ban hành Luật Làng nghề để điều chỉnh mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia. Luật Làng nghề sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các làng nghề Việt Nam, trong đó có nghề thủ công mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủ công mỹ nghệ trong cả nước. Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong ngành thủ công mỹ nghệ.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tim-co-hoi-cho-lang-nghe-truyen-thong-10289510.html