Tìm cơ hội cho xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025
Năm 2024 được coi là năm kỷ lục đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam, song câu hỏi về tính bền vững và các bước đi tiếp theo vẫn là vấn đề đáng quan tâm.
Sản lượng kỷ lục, thách thức bền vững
Mới đây, trong tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 - Kỷ lục mới, vị thế mới”, nhiều chuyên gia đã đánh giá năm 2025 ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức trong tăng trưởng xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), triển vọng năm 2025 đối với thủy sản rất khả quan, nhưng đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng với những quy định và yêu cầu mới từ các thị trường. “Từ năm 2023 đến nay, các ngân hàng đã triển khai ba gói tín dụng cho thủy sản. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch sản xuất và xuất khẩu trong năm tới,” ông Nam cho biết.
Trong lĩnh vực trồng trọt, biến động thị trường cũng đang đặt ra những thách thức về quy hoạch và phát triển. Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọ, ngành nông nghiệp cần tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, sản lượng và quy định mới cho nông dân. “Cây sầu riêng là một ví dụ điển hình về phát triển nóng. Trong 3 năm qua, diện tích sầu riêng đã tăng gấp đôi, ước tính đến cuối năm 2024 sẽ đạt 168.000 ha,” ông Mạnh chia sẻ.
Trên thực tế, việc mở rộng diện tích này đã góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những vấn đề đáng lo ngại về quản lý tài nguyên nước và khả năng thích ứng với xâm nhập mặn, khiến một số khu vực có nguy cơ suy giảm năng suất và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Ông cũng nhấn mạnh rằng các địa phương cần thận trọng trong việc mở rộng diện tích, đặc biệt là những khu vực nhạy cảm với xâm nhập mặn hoặc thiếu nước tưới.
Chất lượng và tính đồng bộ là chìa khóa
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, đàm phán mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu đã được thực hiện hiệu quả nhờ các sản phẩm đặc sắc và đảm bảo chất lượng.
“Muốn cạnh tranh trong xuất khẩu, chúng ta phải có sản phẩm độc đáo, riêng biệt. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất của chúng ta vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ và chưa đạt quy mô lớn,” ông Hiếu phân tích. Ông lấy ví dụ về sản phẩm thanh long ruột đỏ, một loại trái cây đặc sản đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường quốc tế nhờ chất lượng vượt trội và chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản. Ngoài ra, mô hình hợp tác xã tại Đồng Tháp đã minh chứng rằng khi nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm có thể đạt tiêu chuẩn đồng đều và cạnh tranh hơn.
Ngoài việc tăng cường chất lượng, các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm như trái cây tươi. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết rằng xu hướng hoàn thiện và nâng cấp các tiêu chuẩn SPS trong khu vực ASEAN, Trung Quốc và Canada sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
SPS (Sanitary and Phytosanitary Measures) là các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật nhằm bảo vệ sức khỏe con người, động vật và thực vật khỏi các nguy cơ từ dịch bệnh hoặc chất độc hại. Việc tuân thủ và nâng cấp các tiêu chuẩn này không chỉ giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường khắt khe mà còn khẳng định uy tín và chất lượng sản phẩm nông sản trên trường quốc tế.
“Câu chuyện an toàn thực phẩm đang ngày càng được quan tâm. Việc duy trì và nâng cao các tiêu chuẩn này là yếu tố then chốt để đảm bảo tính bền vững trong xuất khẩu nông sản,” ông Nam nhấn mạnh.
Nhìn về tương lai, những thách thức như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ và biến động thị trường đang đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với ngành nông nghiệp.
Để giải quyết những vấn đề này, Nhà nước và các doanh nghiệp cũng đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Một trong số đó là thúc đẩy mô hình liên kết chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm nâng cao tính đồng bộ và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các chương trình hỗ trợ tín dụng và đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch cũng đang được triển khai mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh công tác đào tạo nông dân về sản xuất bền vững, sử dụng giống cây trồng và vật tư nông nghiệp chất lượng cao, qua đó tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hy vọng, với những động lực tích cực từ chính sách và nỗ lực từ doanh nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những cột mốc mới trong năm 2025.
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tim-co-hoi-cho-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-nam-2025.html