Tìm dự án 'sạch', không vay quá sức để mua nhà, đất ở độ tuổi dưới 30
Khi ít vốn và chưa nhiều kinh nghiệm đầu tư, người trẻ nên tìm kiếm dự án có đầy đủ pháp lý, có thể cân nhắc những mảnh đất/căn hộ ở vùng ven đô thị và có tiềm năng tăng giá.
Ông Nguyễn Quốc Anh: Mong muốn sở hữu bất động sản (BĐS) của người dân, dù ở độ tuổi nào, đều là chính đáng. Nếu đầu tư với tầm nhìn 5-10 năm, theo tôi, BĐS vẫn là kênh tiềm năng.
Đầu năm nay, website Batdongsan.com.vn công bố báo cáo Tâm lý người tiêu dùng BĐS, phân tích kết quả khảo sát 1.000 người tiêu dùng BĐS trên khắp Việt Nam với độ tuổi, nghề nghiệp và mức thu nhập đa dạng.
Theo đó, người Việt vẫn xem BĐS là kênh đầu tư quan trọng, kể cả khi thị trường nhà đất đóng băng.
Cũng theo báo cáo này, càng nắm giữ nhiều BĐS, xu hướng muốn mua thêm nhà, đất của người tiêu dùng Việt càng tăng.
Tỷ lệ người dự định mua BĐS trong năm 2023 là 46% với người chưa có BĐS nào; 79% với những người đang sở hữu 2 BĐS; và lên đến 87% ở những người đã có trên 3 sản phẩm địa ốc.
Về lý do mua, trên 60% những người có ý định mua BĐS trong tương lai gần tiết lộ muốn mua để đầu tư, số còn lại là mua để ở.
Ở Việt Nam, chưa có báo cáo nào đưa ra con số cụ thể về xu hướng đầu tư BĐS phân theo tuổi tác. Song theo tôi, mong muốn đầu tư BĐS của người dân có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Càng nhiều tuổi, mong muốn này càng tăng. Tỷ lệ thành công của nhóm nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, có thâm niên cũng cao hơn nhóm dưới 30 tuổi - vốn được mặc định là ít kinh nghiệm và vốn.
Dẫu vậy, tôi cho rằng người trẻ vẫn có thể đầu tư thành công nếu chọn đúng sản phẩm, mua đúng thời điểm và có kế hoạch tài chính hợp lý.
Nên chọn bất động sản "sạch"
Ông Trần Khánh Quang: Thách thức lớn nhất của người trẻ khi muốn tham gia vào thị trường địa ốc là kinh nghiệm và vốn. Bởi vậy, những sản phẩm có đầy đủ pháp lý, nằm trong khu vực đã được quy hoạch bài bản, hướng tới nhu cầu ở thực sẽ là lựa chọn an toàn của nhóm nhà đầu tư này.
Các sản phẩm phù hợp với các tiêu chí này gồm đất phân lô thuộc các dự án đã được duyệt quy hoạch hay chung cư - loại hình hướng tới nhu cầu của đại đa số người dân đô thị.
Riêng ở TP.HCM, các căn hộ phù hợp với người trẻ, loại 2-3 tỷ đồng/căn, có giá trị khai thác rất ổn định. Sau khi mua, nhà đầu tư có thể cho thuê và thu về lợi nhuận 4-5%/năm. Chưa kể, bản thân tài sản đó có thể tăng giá khi nhu cầu nhà ở của thị trường luôn ở mức cao.
Ông Nguyễn Quốc Anh: Tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh ở các thành phố lớn của Việt Nam. Như ở Hà Nội, mật độ dân số hiện vào khoảng 2.400 người/km2. Điều này thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà ở tăng cao hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quỹ đất đô thị bị thu hẹp, giá tăng cao, cơ hội cho người trẻ để sở hữu đất tại các khu trung tâm là không nhiều.
Do đó, phương án tối ưu cho nhóm nhà đầu tư này là những mảnh đất diện tích nhỏ, giá trị nhỏ, có thể ở mức 300-500 triệu đồng tại các khu vực rìa đô thị nhưng có tiềm năng.
Người trẻ có thể không có ưu thế về kinh nghiệm hay vốn, bù lại họ có nhiều thời gian, có khả năng quan sát, phân tích dưới nhiều hình thức. Họ thích học hỏi, dễ tạo dựng và phát triển các mối quan hệ xã hội.
Vì vậy, họ dễ dàng tiếp nhận thông tin đa kênh, được hướng dẫn và dẫn dắt bởi những người đi trước nhiều kinh nghiệm. Từ đó, người trẻ vẫn có thể biết được những khu vực có thị trường nhà đất giàu tiềm năng.
Không vay nợ quá sức
Ông Trần Khánh Quang: Đầu tư BĐS có thể tạo lợi nhuận cao, song cũng tiềm ẩn rủi ro. Ngoài lựa chọn sản phẩm, người mua cần đưa ra quyết định xuống tiền ở thời điểm phù hợp.
Tôi cho rằng thời điểm tốt nhất để người trẻ đầu tư là giai đoạn thị trường "uptrend" (đang phát triển, có xu hướng đi lên). Khi thiếu kinh nghiệm, các bạn trẻ rất khó đánh giá đâu là đáy của thị trường. Việc mua một tài sản giá trị lớn và nhìn giá trị của nó giảm dần có thể làm nóng lòng các nhà đầu tư ít vốn.
Chưa kể, khi thị trường đi xuống, việc đánh giá, định giá cũng không dễ dàng, nhà đầu tư có thể mua phải BĐS với giá cao hơn giá trị thực nếu không có khả năng phân tích, đàm phán.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, người trẻ nên mua BĐS khi vốn tự có tương đương 50% trở lên so với tổng giá trị tài sản, không nên phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy tài chính.
Nhà đầu tư phải tính toán làm sao để tiền lãi vay, tiền gốc phải trả ngân hàng mỗi tháng không vượt quá 50% tổng thu nhập. Nếu vượt quá mức này, nhà đầu tư không nên đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Anh: Nhà đầu tư trẻ không nên sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính khi mua BĐS. Kể cả mua loại hình giá trị nhỏ hay lớn, người trẻ cần so sánh vốn tự có giá trị tài sản muốn đầu tư. Vay quá nhiều sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.