Tìm giải pháp bảo tồn di sản kéo co

Trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại Nghi lễ và trò chơi Kéo co năm 2023, những giải pháp bảo tồn loại hình di sản này đã được đưa ra thảo luận, với những bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc và những chia sẻ từ các cộng đồng có nghi lễ và trò chơi Kéo co.

Giao lưu kéo co tại đền Trấn Vũ. (Ảnh: NHẬT QUANG)

Giao lưu kéo co tại đền Trấn Vũ. (Ảnh: NHẬT QUANG)

Lần đầu tiên trình diễn kéo co chung

Lần đầu tiên, cộng đồng kéo co ở Việt Nam có những màn trình diễn trong cùng một ngày, từ kéo co ngồi đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội), ) kéo mỏ ở thôn Xuân Lai (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội); kéo song ở thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); kéo co của cộng đồng người Tày (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai)… cho đến kéo co của thành phố Dangjin, Hàn Quốc.

Đây là các hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại Nghi lễ và trò chơi Kéo co năm 2023, do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và quận Long Biên tổ chức.

Liên hoan nhằm tăng cường kết nối và trao đổi giữa các cộng đồng thực hành di sản Nghi lễ và trò chơi Kéo co tại Việt Nam và các quốc gia có di sản được ghi danh.

Trình diễn kéo co ngồi đền Trấn Vũ.

Trình diễn kéo co ngồi đền Trấn Vũ.

Liên hoan có sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành Nghi lễ và trò chơi Kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội và thành phố Dangjin (tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc).

Cùng với các hoạt động giao lưu kéo co giữa các đoàn, Liên hoan còn có triển lãm ảnh “Chung một sợi dây”, biểu thị cho di sản kéo co giữa các quốc gia, và hai cuộc tọa đàm “Giáo dục di sản kéo co” tại Bảo tàng Hà Nội và "Bảo vệ và phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại" tại đền Trấn Vũ, Thạch Bàn, Long Biên…

Trình diễn kéo mỏ.

Trình diễn kéo mỏ.

Theo ban tổ chức, năm nay, Liên hoan lần đầu tiên có sự góp mặt của hai cộng đồng kéo co mới là cộng đồng kéo mỏ ở thôn Ngải Khê (huyện Phú Xuyên, Hà Nội); và cộng đồng kéo co ở thôn Hòa Loan (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đây là hai cộng đồng kéo co mới được phát hiện, và đang được đề nghị bổ sung vào Di sản phi vật thể kéo co.

Năm 2015, Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam, và được tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việt Nam có bốn địa phương, gồm Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội có di sản được ghi danh.

Tại đêề́n Trấn Vũ, cùng với trình diễn kéo co ngồi truyền thống của cộng đồng người dân địa phương, lần đầu tiên nhiều loại hình kéo co được trình diễn đồng thời, phô diễn sự độc đáo cũng như ý nghĩa đặc biệt của từng loại hình, từng địa phương.

Từ những nghi thức nâng bó song trước buổi lễ, phun rượu vào người kéo co vừa để thanh lọc, cầu mưa và cổ vũ tinh thần người kéo co.

Người xem cũng được chứng kiến nghi thức kéo song với những cây song bằng thân tre dẻo dai, rắn chắc, kéo mỏ cũng bằng thân tre, kéo co Hàn Quốc với thân dây kéo co hình bạch tuộc được tết bằng rơm rạ và gia cố bằng tre, vỏ cây hoặc sợi nilon…

Kết thúc Liên hoan, chiếc dây kéo co của Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) đã được Hội tặng lại cho làng Trấn Vũ, biểu hiện cho tình hữu nghị, sự giao lưu và gắn kết giữa hai cộng đồng địa phương đang sở hữu và bảo tồn di sản văn hóa thế giới này.

Bảo tồn và gìn giữ di sản

Không chỉ trình diễn, giới thiệu những nét độc đáo của loại hình kéo co ở địa phương mình, các cộng đồng kéo co cũng đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và mong muốn trong việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản kéo co. Những bài học kinh nghiệm đã được đưa ra.

Cộng đồng kéo co đền Trấn Vũ, chủ nhà của Liên hoan chia sẻ rằng, cũng giống như nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác, đang đứng trước nguy cơ bị mai một do sự thay đổi của xã hội, do đô thị hóa, quỹ đất bị thu hẹp, sự xáo trộn về dân cư.

Chính vì thế, di sản kéo co ngồi mặc dù được quan tâm và duy trì thực hành hằng năm vào các dịp nhất định, nhưng cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng.

Một số kiến nghị để bảo tồn di sản kéo co ngồi được đưa ra như kết nối với các tour du lịch để quảng bá, đưa kéo co ngồi vào trong trường học để học sinh biết, hiểu thêm về di sản và thực hành giáo dục thể chất, nghiên cứu, bổ sung một số chi tiết trong nghi thức kéo co bị mai một như hình tượng các bà mẹ bón cam chanh, dầm đào, tăng cường giao lưu hợp tác với các quận huyện, các tỉnh thành phố và các nước trên thế giới như Hàn Quốc, Philipines, Campuchia…, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ, tiếp tục quảng bá, tuyên truyền về di sản kéo co ngồi…

Cộng đồng kéo mỏ thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ rằng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được người dân cũng như chính quyền xã Xuân Thu và huyện Sóc Sơn quan tâm.

Huyện Sóc Sơn thường xuyên tổ chức hội thảo về vấn đề bảo tồn, phát huy di sản kéo mỏ nhằm giúp di sản được gìn giữ lâu bền trong đời sống cộng đồng và để nhiều người biết hơn tới di sản này.

Trong một số hoạt động văn hóa diễn ra tại huyện Sóc Sơn và ở các địa bàn khác, người dân thôn Xuân Lai cũng được đưa di sản kéo mỏ đến giới thiệu như trình diễn tại Lễ hội Gióng đền Sóc, trình diễn tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam...

Dây kéo của cộng đồng người Tày ở Lào Cai.

Dây kéo của cộng đồng người Tày ở Lào Cai.

Cộng đồng kéo song thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong việc bảo tồn di sản kéo song, ngoài tổ chức các hội thảo để thu hút sự chú ý của người dân, địa phương còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn phục dựng đầy đủ và lập cơ sở dữ liệu, tư liệu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, làm cơ sở cho công tác tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá, đưa kéo song vào thành môn học truyền thống tại các nhà trường trên địa bàn thị trấn xa hơn sẽ là trên địa bàn huyện.

Thị trấn cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm truyền dạy kỹ thuật kéo song cho thanh thiếu nhi trong thị trấn Hương Canh, có kế hoạch đưa trò chơi kéo song vào giáo dục tại các trường học để bảo vệ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di sản mà cha ông ta đã để lại, đồng thời rèn luyện sức khỏe cho học sinh.

Các cộng đồng kéo co cũng nhận được nhiều kinh nghiệm quý trong việc bảo tồn di sản từ những chia sẻ của đoàn Hàn Quốc. Từ tuyên truyền, quảng bá, đi trình diễn giao lưu, trình diễn tại các lễ hội hằng năm, Hàn Quốc còn đưa kéo co vào các loại hình giáo dục cho học sinh như mô hình “hộp kéo co”, truyện tranh 3D, đưa vào thực hành tại các nhà trường theo kiểu “học vui, vui học”…

Cũng theo các cộng đồng thực hành kéo co, việc bảo tồn di sản, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản trong đời sống hôm nay giờ đây không chỉ là trách nhiệm của riêng mỗi cộng đồng có di sản.

Sự chung tay của cả cộng đồng, người dân địa phương, chính quyền cũng như các chuyên gia, nhà quản lý là những yếu tố giúp cho di sản được nhận diện tốt hơn, bảo vệ và gìn giữ lâu bền.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tim-giai-phap-bao-ton-di-san-keo-co-post783811.html