Tìm giải pháp căn cơ loại trừ các biến tướng tục 'bắt vợ'
Tục 'bắt vợ', 'kéo dâu' hay cướp vợ, bắt dâu từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong phong tục của một số dân tộc như Mông, Thái, Dao. Vấn đề đặt ra là làm sao để giữ gìn mỹ tục, hài hòa với Luật Hôn nhân và Gia đình đang là câu hỏi đặt ra cho các ngành chức năng hiện nay.
Như PNVN đã phản ánh, ngày 22/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp Hội đồng dân tộc của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về Việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của hủ tục "bắt vợ" ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu từ điểm cầu Nhà Quốc hội trực tuyến với 5 địa phương trên cả nước là Hà Giang, Lào Cao, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, cùng thảo luận để nhận diện rõ hơn về tục "bắt vợ" và đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm hạn chế các biến tướng của tục lệ này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thảo luận tại tọa đàm, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, cho biết: Tục "kéo dâu" hay cướp vợ, bắt dâu từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong phong tục của một số dân tộc như Mông, Thái, Dao. Vấn đề đặt ra là làm sao để giữ gìn mỹ tục, hài hòa với Luật Hôn nhân và Gia đình đang là câu hỏi đặt ra cho các ngành chức năng hiện nay.
Tục "kéo dâu" mang tính tự nguyện, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển trong xã hội hiện đại, thì chúng ta nên ủng hộ, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc. Theo đó, cần xử lý nghiêm những người có hành vi lợi dụng, cố tình biến tướng phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số - ông Thắng nói.
Phần lớn các đại biểu đều cho rằng, Tục "kéo vợ" hay "kéo dâu" của đồng bào dân tộc thiểu số là một phong tục cổ truyền có tinh nhân văn, phản ánh truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên gần đây, hiện tượng "kéo vợ" chuyển sang hình thức "cướp vợ", "bắt vợ" diễn ra ở một số nơi với các kiểu biến tướng khác nhau, như: Lợi dụng tục "kéo vợ" để "cướp", "bắt" các cô gái, và trở thành hành vi vi phạm pháp luật.
Tại tỉnh Hà Giang, đầu năm 2022, sự việc "bắt vợ" xảy ra tại tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, liên quan đến 2 thanh, thiếu niên người dân tộc Mông (nam 16 tuổi, nữ 14 tuổi). Hiện tượng này đã được quay lại và lan truyền trên mạng xã hội đã khiến dự luận quan tâm.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết: Người Mông ở Hà Giang có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng, trong đó tục "kéo vợ" là nét riêng độc đáo trong hôn nhân của người Mông. Hiện nay, "tục kéo vợ" tuy không phải là phổ biến nhưng vẫn còn một bộ phận thanh, thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ về phong tục, tập quán của dân tộc, địa phương, nên khi người con trai thích một người con gái, liền rủ bạn bè "bắt cóc" người đó về làm vợ. Đây là biến tướng của tập tục dẫn đến vi phạm pháp luật, tảo hôn, cưỡng ép kết hôn.
Các đại biểu cùng đề xuất, cần vận động, giáo dục, thuyết phục đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của dân tộc mình, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần.
Đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở cơ sở. Trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người tiêu biểu có uy tín ở thôn, bản và đội ngũ cán bộ đang công tác tại cơ sở, đưa chủ trương, chính sách đến với đồng bào, để đồng bào tin và cùng thực hiện. Có chế tài xử phạt đủ mạnh để hạn chế tình trạng vi phạm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó tập trung tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, để tầng lớp thanh thiếu niên không vi phạm về mặt pháp luật. Đồng thời có biện pháp ngăn chặn kịp thời khi thấy các hiện tượng xảy ra…
Những hiện tượng của tục "bắt vợ" không mới, nhưng đến nay cần đánh giá đúng bản chất có phải là hủ tục hay không; nếu "bắt vợ" là hủ tục sao lại để kéo dài và đâu là những hình thức biến tướng, lợi dụng phong tục, tập quán để vi phạm pháp luật. Đặc biệt, cơ sở pháp lý nào để xử lý nếu có vi phạm, đã đầy đủ hay chưa?
Việc đánh giá kỹ lưỡng, giá trị, thực trạng và biến tướng của tục lệ này sẽ giúp Quốc hội và bộ, ngành, địa phương có những giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.