Tìm giải pháp duy trì tăng trưởng

Đại dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác thúc đẩy nhanh hơn sự dịch chuyển sản xuất và dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam. Minh chứng là một số lĩnh vực ghi nhận sự gia tăng đáng kể về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Do đó, thời kỳ 'hậu' Covid-19 là thời điểm vàng để doanh nghiệp (DN) trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tìm giải pháp duy trì tăng trưởng

QUỐC BÌNH

Thứ Năm, 15-07-2021, 17:57

+ | Print

Doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đang cần nhiều sự hỗ trợ. Ảnh: SONG ANH

Doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đang cần nhiều sự hỗ trợ. Ảnh: SONG ANH

Đó là những điểm đáng lưu ý được nêu ra tại Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam do Trường đại học Thương mại công bố mới đây. Báo cáo được nghiên cứu dựa trên những số liệu và minh chứng có chọn lọc từ các tổ chức cung cấp dữ liệu chính thống và tin cậy. Nghiên cứu những vấn đề ngắn hạn nhưng trong tầm nhìn trung và dài hạn với cấu trúc thống nhất, bao gồm bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam, các khía cạnh quan trọng phản ánh tình hình kinh tế và thương mại vĩ mô hằng năm...

PGS Hà Văn Sự, Trưởng khoa Kinh tế - Luật (Trường ĐH Thương mại), thư ký khoa học của Báo cáo thường niên cho biết, kinh tế Việt Nam trong năm 2020 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp diễn; dịch Covid-19 lan nhanh, làm tê liệt chuỗi cung ứng và suy giảm kinh tế, thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn và an toàn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đại dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác thúc đẩy nhanh hơn sự dịch chuyển sản xuất và dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam. Minh chứng là một số lĩnh vực ghi nhận sự gia tăng đáng kể về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Do đó, thời kỳ “hậu” Covid-19 là thời điểm vàng để DN trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 còn thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam mạnh mẽ hơn, thậm chí còn thay đổi rất nhiều trong lối sống cũng như sản xuất của người Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, đại dịch Covid-19 làm sụt giảm dòng FDI và số lượng dự án đầu tư mới giảm, một số lĩnh vực ghi nhận sự sụt giảm về dòng FDI, ảnh hưởng tiêu cực tới cơ cấu FDI theo địa bàn. Với chiến lược thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, năm 2020 Việt Nam đã trở thành điểm sáng về kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Do đó, dự báo GDP có hai kịch bản tăng trưởng. Trong đó, kịch bản cơ sở tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2021 có thể đạt 6,1%, CPI trung bình khoảng 4% có khả năng xảy ra nhất hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi và đại dịch Covid-19 dần được khống chế. Ở kịch bản này, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng dương trở lại như: Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản… nhờ đó kinh tế trong nước sản xuất dần được phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng mức 7%. Đóng góp của FDI dự kiến tiếp tục được duy trì, chính sách tiền tệ (CSTT) theo hướng linh hoạt, phù hợp nhằm giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Với kịch bản thấp, báo cáo dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,5%, CPI trung bình khoảng 3,5%. Mặc dù cho rằng đây là kịch bản ít có khả năng xảy ra, nhưng báo cáo đánh giá nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới trì trệ và phục hồi chậm, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Việt Nam bị tác động, đầu tư khu vực nhà nước ở mức thấp, thì tăng trưởng khó đạt được triển vọng cao hơn.

Theo GS Đinh Văn Sơn, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học thương mại, chủ biên Báo cáo thường niên, để kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch, về phía cung, cần tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế, cải cách thị trường lao động, đất đai, tài chính, tái định hình chuỗi cung ứng, bảo đảm chính sách an sinh và ổn định xã hội; về phía cầu, khuyến khích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy đầu tư tư nhân, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) và thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và xuất nhập khẩu. Để đạt được kết quả đó, Việt Nam phải kiểm soát và có hệ thống giải pháp căn cơ giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại do đại dịch Covid-19. Đồng thời, phải có giải pháp “ứng phó” trong điều kiện dịch bệnh như: Thực thi CSTT chủ động và linh hoạt; áp dụng phù hợp các công cụ thuế và ĐTC; hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân; phát triển nền kinh tế số và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đối với thương mại trong nước, phải triển khai áp dụng bản đồ chung sống an toàn với Covid-19, đặc biệt đối với hệ thống phân phối; tiếp tục hỗ trợ DN thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, duy trì và khôi phục hoạt động SXKD; phát triển thương mại điện tử trong nước để thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa; bám sát tình hình kinh tế - chính trị thế giới, đặc biệt là các cuộc chiến tranh thương mại, cuộc chiến tiền tệ để xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu thị trường trong nước.

Để Việt Nam tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện mục tiêu quyết liệt đổi mới, vì thời gian qua đổi mới đã đạt nhiều bước tiến dài nhưng vẫn chưa thật sự mạnh mẽ. Muốn bứt phá thì quyết tâm phải đi cùng với hành động lớn. Đơn cử, muốn phát triển mạnh mẽ thì phải có cực tăng trưởng, chứ không thể dàn hàng ngang cùng tiến.

PGS, TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam): Vấn đề đặt ra là hiện nay không phải là lúc bàn về thúc đẩy tăng trưởng một cách đơn thuần, mà phải làm rõ nguyên tắc, cách thức hỗ trợ DN, bảo vệ các trụ cột của nền kinh tế, để có các quyết sách thực tế, kịp thời. Kích thích các động lực tăng trưởng mới trỗi dậy, từ đó thúc đẩy nền kinh tế bước lên nấc thang cao hơn của sự phát triển đang là bài toán cần được giải sớm.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/tim-giai-phap-duy-tri-tang-truong-655249/