Tìm giải pháp hữu hiệu ổn định thị trường xăng dầu
Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, chính sách thuế, phí đối với giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam khá ưu việt, đảm bảo kiềm chế lạm phát, giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần có giải pháp để thị trường xăng dầu đảm bảo cung cầu, điều hành giá bình ổn...
Đảm bảo an ninh năng lượng, kiềm chế lạm phát
Ngày 27/6, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) đã tổ chức công bố kết quả nghiên cứu "Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình".
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VESS, thành viên Nhóm nghiên cứu cho rằng, hiện đã có rất nhiều năng lượng mới được phát minh như điện gió, hạt nhân... nhưng chưa năng lượng nào đủ khả năng thay thế hoàn toàn cho xăng dầu. Vì vậy, giá cả của xăng dầu ngày càng tăng lên là điều khó tránh khỏi. Khi giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng nhất định đến một số ngành nghề sử dụng nhiều xăng dầu để hoạt động, cũng như đời sống của người dân.
Dựa trên phân tích của Nhóm nghiên cứu nhận thấy, các hộ gia đình có thu nhập thấp có xu hướng tăng tiêu dùng cho xăng dầu qua các năm, đồng thời số hộ sử dụng xăng dầu tăng theo thời gian.
Hộ gia đình thu nhập thấp có ít khả năng tiết kiệm chi tiêu xăng dầu hơn hộ gia đình có thu nhập cao, vì tiêu dùng xăng dầu ở mức cần thiết, nên ít bị co dãn về giá đối với mặt hàng này. Các hộ này thường tập trung nhiều hơn ở các vùng kém phát triển, kể cả về kinh tế cũng như hạ tầng giao thông, ở nông thôn hay ở miền núi.
Áp lực tăng giá xăng dầu có thể gây ra gánh nặng cho đời sống người dân, tuy nhiên, việc kiểm soát giá cần căn cứ trên bình diện điều hành vĩ mô của Chính phủ.
Trên thực tế, điều hành giá của Chính phủ đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố: an ninh năng lượng, nguồn thu ngân sách và kiềm chế lạm phát.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra Nhà nước đang áp dụng thuế giá trị gia tăng (10%), thuế nhập khẩu (khoảng 10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (từ 8 - 10%) và thuế bảo vệ môi trường. Mặc dù áp dụng thuế, phí trên đầu lít xăng, dầu, nhưng giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này thể hiện tính ưu việt của các chính sách nhằm kiềm chế lạm pháp, giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp.
Duy trì sự ổn định của thị trường xăng dầu
Theo nghiên cứu của VESS, ý kiến của các chuyên gia kinh tế đều đồng thuận, việc kiểm soát giá xăng dầu ở mức hợp lý có thể giúp cắt giảm chi tiêu cho xăng dầu của hộ gia đình trong bối cảnh số lượng hộ và lượng xăng dầu tiêu dùng của hộ có xu hướng tăng; tạo dựng một thị trường xăng dầu hiệu quả, tạo mặt bằng giá ổn định sẽ giúp tăng phúc lợi hộ gia đình Việt Nam trong dài hạn.
Nghiên cứu này cũng đi sâu phân tích một số mặt về hoạt động thị trường xăng dầu tại Việt Nam. Theo đó, các quy định chi tiết và chặt chẽ trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP nhằm hướng tới mục đích duy trì ổn định của thị trường xăng dầu, cũng như sự an toàn trong lao động và kinh doanh. Tuy nhiên, các chính sách này cũng gián tiếp gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và các bên liên quan tham gia thị trường.
Các quy định kiểm soát chặt chẽ cấu trúc của chuỗi cung ứng, từ phân phối tới bán lẻ tạo thành hiện tượng độc quyền bán, qua đó duy trì sức mạnh vốn có của các doanh nghiệp mà do điều kiện lịch sử đã bao trùm cả chuỗi cung ứng từ phân phối tới bán lẻ.
“Điều này làm giảm sức hút gia nhập trên các phân đoạn thị trường cũng như tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng một phân đoạn hoặc trên toàn bộ thị trường. Hệ quả là thị trường xăng dầu Việt Nam có tính độc quyền bán cao, dẫn tới rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng như đã thấy trong một số diễn biến gần đây. Chính vì vậy, cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ” - nghiên cứu của VESS nhìn nhận.
Để đảm bảo cung cầu, Nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần thiết của việc cải cách thị trường xăng dầu tại Việt Nam. Một là, tách bạch các phân đoạn thị trường trong chuỗi cung ứng (xuất nhập khẩu, phân phối, đại lý, bán lẻ…) để tăng tính chuyên môn hóa của mỗi phân đoạn và tính cạnh tranh trong mỗi phân đoạn. Hai là, cải cách thị trường theo hướng tăng tính cạnh tranh trên tất cả các phân đoạn thị trường của toàn chuỗi cung ứng thông qua việc giảm điều kiện kinh doanh (nhằm giảm điều kiện gia nhập thị trường).
Tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường
Để tăng tính cạnh tranh trên thị trường kinh doanh xăng dầu, Nhóm nghiên cứu đề xuất, cần quy định rõ trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho các bên tham gia; sửa đổi chính sách liên quan như: các quy định vận hành thị trường, chiết khấu, cho phép doanh nghiệp bán lẻ được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Từ đó tạo nên sự cạnh tranh trong giá/chất lượng xăng dầu bán lẻ giữa các doanh nghiệp với nhau, gián tiếp mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước.