Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Chiều 9/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo chuyên đề thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Hội thảo quy tụ đông đảo đại biểu
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng, lãnh đạo và đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận và Ninh Thuận; đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; đại diện Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đại biểu các sở, ban, ngành của tỉnh; các trường đại học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có liên quan về môi trường trong tỉnh và trong nước.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 398.668 tấn/năm, tương đương 1.092,3 tấn/ngày.
Hiện, tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh đạt trung bình khoảng 88%; trong đó, tại khu vực đô thị đạt 96%, khu vực nông thôn đạt 80%. Tại Đà Lạt, việc thu gom, vận chuyển CTRSH do Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị TP Đà Lạt thực hiện, tại Bảo Lộc do Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc phụ trách. Các huyện còn lại do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng và Công trình công cộng huyện thực hiện.
Lâm Đồng trong nhiều năm nay đã nỗ lực vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng nhiều mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn trong cộng đồng; thực hiện các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa, tái chế chất thải rắn.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng tham luận tại hội thảo
Tỉnh có 3 nhà máy xử lý CTRSH hoạt động gồm nhà máy xử lý rác vùng tỉnh tại xã Đại Lào, TP Bảo Lộc với công suất thiết kế 200 tấn/ngày; nhà máy xử lý rác vùng tỉnh tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt công suất thiết kế giai đoạn I là 200 tấn/ngày, công suất hoạt động bình quân khoảng 300 tấn/ngày (vượt công suất); nhà máy xử lý rác vùng huyện tại xã Ka Đô, huyện Đơn Dương với công suất thiết kế 150 tấn/ngày, công suất hoạt động bình quân khoảng 50 tấn/ngày (dư công suất).
Cùng đó, hiện có một số nhà máy xử lý CTR đang trong giai đoạn triển khai như Nhà máy xử lý CTR tại xã Liên Đầm, huyện Di Linh, công suất thiết kế giai đoạn I là 150 tấn/ngày (dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2025), giai đoạn II là 350 tấn/ngày; Khu tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ CTR Lâm Hà, công suất thiết kế giai đoạn I là 50 tấn/ngày, giai đoạn II là 140 tấn/ngày; Khu xử lý CTR vùng tỉnh tại xã Tân Thành, huyện Đức Trọng đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, công suất thiết kế giai đoạn I là 180 tấn/ngày, giai đoạn II là 250 tấn/ngày, hiện đang lựa chọn nhà đầu tư để triển khai.
Tại các huyện còn lại, CTRSH được thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp để xử lý với 10 bãi rác đang hoạt động. Hầu hết các bãi chôn lấp này đều không đảm bảo điều kiện chôn lấp hợp vệ sinh, không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chỉ định kỳ phun chế phẩm sinh học khử mùi và rắc vôi bột để diệt khuẩn.

Nhiều ý kiến đóng góp tich cực cho Hội thảo của các đại biểu
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là một tỉnh thành có diện tích rộng và sắp đến, khi thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh khi hình thành tỉnh Lâm Đồng mới cũng là tỉnh có diện tích lớn nhất của cả nước.
Diện tích lớn, địa bàn trải rộng nên việc thu gom xử lý rác thải Lâm Đồng lâu nay tại tỉnh theo ông Phúc gặp rất nhiều khó khăn. Việc thu gom chủ yếu hiện nay trên địa bàn được thực hiện bởi các đơn vị nhà nước, còn thiếu xe chuyên dụng, thiếu các nhà máy xử lý rác thải trong khi các bãi chôn lấp hiện tại không hợp vệ sinh; thiếu các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực xử lý rác đầu tư vào đất Lâm Đồng, trong đó có nguyên do lượng rác tại các huyện hiện nay còn ít, khoảng cách vận chuyển quá xa nên chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Việc phân loại rác thải dù các cấp của tỉnh đã vận động lâu nay nhưng vẫn chưa thực hiện được vì nhiều lý do.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc phát biểu tại hội thảo
Theo ông Phúc, đã có một số doanh nghiệp đặt ra vấn đề về chế biến sản phẩm phụ từ rác thải sinh hoạt, nhưng cũng chỉ dừng trên giấy; một số sản phẩm như phân bón từ rác thải sinh hoạt thì rất khó bán.
“Hội thảo là dịp tỉnh mời các chuyên gia đầu ngành, các trường đại học, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đơn vị, nhằm tạo sự kết nối với các vấn đề chính tập trung là phân loại, thu gom và xử lý. Hội thảo dịp này cũng là cơ hội để tỉnh lắng nghe ý kiến làm như thế nào để thu hút đầu tư vào tỉnh”, ông Phúc phát biểu
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc, hội thảo không chỉ đóng góp ý kiến cho Lâm Đồng mà còn gợi ý, đưa ra được những giải pháp trong xử lý rác thải tại tỉnh cũng như trong nước, hướng Lâm Đồng đến phát triển xanh, bền vững, bảo vệ môi trường.
Hội thảo đã lắng nghe nhiều tham luận của các đại biểu như: “Giới thiệu một số chính sách về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020” của Tiến sĩ Dương Thị Thanh Xuyến - Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; “Thực trạng công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” của Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng; “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu gom CTRSH khu vực đô thị” của Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt; “Kết quả và thách thức trong công tác quản lý CTRSH” của huyện Đức Trọng” của huyện Đức Trọng; “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực quản lý CTRSH tỉnh Lâm Đồng” của PGS. Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)...

Đại diện của Công ty Sài Gòn Xanh - đơn vị đầu tư nhà máy xử lý rác tại Di Linh tham luận tại Hội thảo

Đại diện của một đơn vị đầu tư nhà máy điện rác tại Việt Nam phát biểu
Hội thảo cũng được nghe giới thiệu về công nghệ mới trong xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó có nhà máy điện rác; nghe các ý kiến của các đại biểu.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã bày tỏ sự cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo và cho biết trong thời gian đến Lâm Đồng tiếp tục vận động nâng cao ý thức người dân trong phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tăng cường nguồn lực để đầu tư xe vận chuyển rác cho cơ sở; nghiên cứu việc dùng túi nhựa khác màu để phân loại rác thải. Tỉnh cũng sẽ tính toán để đưa ra định mức thu gom rác thải sinh hoạt nhằm tổ chức đấu thầu thu gom rác thải sinh hoạt với thời gian hoạt động trong vòng 5 năm; qui định mức đóng tiền của người dân hợp lý trong thu gom rác. Tỉnh cũng ưu tiên chọn lựa công nghệ xử lý rác thải phù hợp theo mức độ khối lượng phát sinh rác thải tại các địa phương trong kêu gọi đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc (thứ hai bên phải sang) ghi nhận và cảm ơn các ý kiến đóng góp của các địa biểu tại hội thảo
Ông Phúc cũng cho biết, Lâm Đồng hiện nay đang mời gọi đầu tư vào các nhà máy xử lý rác thải tại Đức Trọng, Bảo Lâm và Đam Rông đồng thời hoan nghênh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có khả năng mua lại các nhà máy xử lý rác trên địa bàn Đà Lạt để thay đổi công nghệ cũ bằng công nghệ tiên tiến hơn.