Tìm giải pháp phòng trị các bệnh trên tôm nước lợ

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THÚY LIỄU

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THÚY LIỄU

Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh hơn 13.700, đạt 27% kế hoạch, giảm 4,66% so cùng kỳ, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 344ha, chiếm 2,5% so với diện tích thả nuôi và cao hơn 117ha so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân tôm nuôi bị thiệt hại do các yếu tố môi trường, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, bệnh vi bào tử trùng.

Để khuyến cáo kịp thời chất lượng nước, dịch bệnh môi trường trong và ngoài ao nuôi đến hộ dân, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc thu được 1.512 mẫu đo nhanh các chỉ tiêu tại hiện trường về nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm, độ trong và oxy hòa tan. Giám sát dịch bệnh tại vùng nuôi và đã thu 55 mẫu tôm, có 6/55 mẫu dương tính với vi rút đốm trắng, chiếm tỷ lệ 10,9%; 11/55 mẫu dương tính bệnh hoại tử gan tụy cấp, chiếm tỷ lệ 20%, có 6/55 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng, chiếm tỷ lệ 10,9%; đồng thời, đã thu 25 mẫu tôm giống giám sát dịch bệnh chủ động tại các cơ sở ương dưỡng trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 2/25 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng, tỷ lệ 8%, các mẫu còn lại đều âm tính với các bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu.

Riêng đối với bệnh mờ đục hậu ấu trùng (TPD), sau khi nhận được thông tin có bệnh mới xuất hiện (TPD) trên vùng nuôi, các đơn vị chuyên môn đã tăng cường công tác giám sát vùng nuôi, kết quả phát hiện có nhiều ao tôm chết bất thường, chết nhanh ở giai đoạn tôm từ 3 - 7 ngày tuổi, qua điều tra dịch tễ đa phần tôm có xuất xứ từ tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, phần lớn tôm chết còn trong giai đoạn trong ao ương, ao ương có mật độ rất dày, mực nước thấp khoảng 0,5 - 0,6m, có nhiều ao tôm chết có triệu chứng lâm sàng giống bệnh TDP…

Tại hội thảo, đại biểu được nghe diễn giả chia sẻ về bệnh mờ đục hậu ấu trùng (TPD), nguyên nhân, biểu hiện, phòng bệnh và các vấn đề cập nhật; ứng dụng vi sinh để phòng bệnh Vibrio (xử lý và cho ăn); công nghệ tạo kháng thể phòng bệnh trên tôm và giải pháp phòng trị TPD…

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, con tôm nuôi nước lợ góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng, lĩnh vực nuôi tôm rất được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm. Vì vậy, để ngành nuôi tôm của tỉnh phát triển bền vững đem về nguồn thu nhập tốt cho hộ nuôi và góp phần tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà, thì công tác phòng chống dịch bệnh bảo vệ đàn tôm nuôi là rất quan trọng. Do đó, thông qua việc tổ chức cuộc hội thảo này, mong muốn của ngành Nông nghiệp tỉnh là những chia sẻ của các diễn giả về dịch bệnh trên tôm nuôi sẽ được phổ biến lan tỏa đến hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, giúp hộ nuôi nhận biết, phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi tại hộ hiệu quả và có vụ nuôi tôm thành công trong năm 2024…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/tim-giai-phap-phong-tri-cac-benh-tren-tom-nuoc-lo-73431.html