Tìm giải pháp tháo gỡ để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023

Hiện nay, trong bối cảnh sản xuất suy giảm vì thiếu đơn hàng, xuất khẩu quý I giảm mạnh, các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay, thiếu vốn mua nguyên phụ liệu, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nếu không kịp thời tìm giải pháp để tháo gỡ, khó đạt được mục tiêu xuất khẩu cho năm 2023 và cho cả chu kỳ 5 - 10 năm tiếp theo.

 Tìm giải pháp tháo gỡ để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023.

Tìm giải pháp tháo gỡ để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm giảm

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đều ghi nhận giảm so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4%.

Xuất khẩu, nhập khẩu trong nước đã giảm, nhưng thị trường chủ lực của nước ngoài đều giảm mua hàng từ Việt Nam. Cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ đạt 24,6 tỷ USD, giảm 19,4%; sang châu Âu đạt 12,4 tỷ USD, giảm 9,7%, châu Phi giảm 11,2%, châu Đại Dương giảm 3,7%. Xuất khẩu sang thị trường châu Á đạt 38,7 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ.

Đối với xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp đạt 67,8 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ; nhóm nông, thủy sản đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,8%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,03 tỷ USD, giảm 1,6%.

Đáng lưu ý, trong quý I/2023 phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm mạnh như: Ngành hàng điện tử, máy tính: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 12,2%; điện tử, máy vi tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, giảm 9,3%. Xuất khẩu hàng may mặc đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,7%; xơ sợi dệt đạt 941 triệu USD, giảm 35%...

Để giải quyết khó khăn trên, ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) kiến nghị: Trong ngắn hạn, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại; trong đó, tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương. Đồng thời, ngân hàng cần có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động...

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, khẩu thủy sản đã giảm 27,5% trong quý I năm nay, tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất. Đáng lo ngại hơn là dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay. Do nhu cầu tiêu dùng suy giảm bởi lạm phát, dẫn đến nhiều doanh nghiệp dù đã ký hợp đồng nhưng khách hàng lại dời lại, khiến lượng hàng tồn kho nhiều. Việc xuất khẩu giảm khiến dòng tiền chậm về, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không có nguồn vốn để mua nguyên liệu, không mua nguyên liệu đúng giá cho nông, ngư dân.

Trong khi các ngành xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây, lãi suất vay USD khoảng 2,1 - 2,3% thì giờ đã lên đến trên 4%. Do đó, đại diện VASEP kiến nghị cần giảm lãi suất vay USD để dòng tiền không bị nghẽn.

Cần khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển,... cũng tăng cao

Theo Bộ Công Thương, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá, dù nỗ lực rất cao nhưng tăng trưởng GDP quý đầu năm chỉ đạt 3,32%. Nhiều địa phương được xem là đầu tàu, là động lực của nền kinh tế đất nước lại có mức độ tăng trưởng thấp như TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,7%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước thấp hơn so với kế hoạch và thấp xa so với cùng kỳ năm trước.

Với mức tăng trưởng thấp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lo ngại: “Nếu không kịp thời tìm những giải pháp để tháo gỡ thì khó có thể đạt được mục tiêu cho năm nay và cho cả chu kỳ 5 năm, 10 năm tiếp theo”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần tiếp tục kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường để tổ chức kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả; chú trọng phát triển các thị trường ngách để bù đắp phần sụt giảm đơn hàng; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Các hiệp hội ngành hàng cần phải tăng cường công tác phối hợp các đơn vị của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật và chuyển tải các thông tin về nhu cầu thị trường, quy định, chính sách mới của các thị trường ngoài nước cho doanh nghiệp hội viên; chú trọng tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng thâm nhập vào các thị trường mục tiêu và khai thác các cam kết ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do...

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để nông ngư dân duy trì việc sản xuất. Đây chỉ là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tim-giai-phap-thao-go-de-dat-muc-tieu-xuat-khau-nam-2023-333772.html