Tìm giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
Trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ thì du lịch quốc tế của Việt Nam không như kỳ vọng và vẫn thuộc top phục hồi thấp trong khu vực.
Mặc dù sau đại dịch, Việt Nam công bố mở cửa hoàn toàn (15/3/2022) khá sớm và tạo được cơ hội, lợi thế nhất định trong phục hồi du lịch quốc tế so với nhiều quốc gia trong khu vực nhưng năm 2022, Việt Nam chỉ đón được 3,66 triệu lượt khách, đạt 73% kế hoạch. Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, năm 2025 phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, sự phục hồi du lịch quốc tế không như kỳ vọng và điều này dẫn đến nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế nói chung, không chỉ riêng với ngành du lịch mà còn ảnh hưởng tới ngành hàng không, thị trường ăn uống, lưu trú, bất động sản.
Biểu đồ Chỉ số phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 từ báo cáo của Hội đồng tư vấn du lịch TAB cũng cho thấy, chỉ số phục hồi của ngành du lịch Việt Nam năm 2022 là 18,1% - đứng cuối bảng phục hồi du lịch quốc tế của khu vực.
Theo phân tích của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu từ nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài, từ 8- 12 ngày, thậm chí là 15 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu ít.
Ông Trường cũng so sánh, năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế thì Thái Lan đã đón 25 triệu lượt khách. Năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2027, Thái Lan đã đặt mục tiêu đón 80 triệu khách quốc tế. Như vậy, nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá cho du lịch ngay bây giờ thì sẽ chậm hơn họ rất nhiều.
Báo cáo về tình hình du lịch mới đây của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ ra khá nhiều nguyên nhân hạn chế, tồn tại của ngành du lịch, trong đó có du lịch quốc tế. Đó là các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi các thị trường này chưa mở cửa do tác động của dịch COVID_19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục. Chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn. Sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hóa. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách.
Về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp du lịch đã rất cố gắng nhưng du lịch Việt Nam vẫn ở top thấp trong khu vực về đón khách quốc tế. Để khắc phục tình trạng này cần có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn du khách, đồng thời phải có chính sách hỗ trợ, khôi phục doanh nghiệp và huy động tổng hợp nguồn lực của các doanh nghiệp du lịch.
Theo ông Bình, cần khuyến khích các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới triển khai tất cả các hoạt động du lịch ở Việt Nam để thu hút nhiều hơn khách quốc tế vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và ở nước ngoài. Các doanh nghiệp du lịch cần được hỗ trợ trong công tác chuyển đổi số trên cơ sở đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu này. Các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ để tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác giá trị của các di sản và bản sắc văn hóa Việt Nam để tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, nâng tầm du lịch Việt Nam và góp phần quan trọng cho việc phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam.
Chính phủ tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch, hoàn thiện hạ tầng tại các trung tâm du lịch để hình thành các trung tâm thu hút khách quốc tế của Việt Nam và khu vực. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc hội nhập và nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên cơ sở triển khai các chính sách tạo thuận lợi cho du khách vào Việt Nam như: Cải thiện thời gian xử lý visa, mở lại thủ tục nhận visa ở cửa khẩu, tiến tới việc cấp trực tiếp visa ở cửa khẩu cho khách du lịch có đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam, kéo dài thời gian lưu trú lên 30 ngày cho khách đã miễn visa được ra vào Việt Nam nhiều lần, cấp visa điện tử cho khách du lịch từ tất cả các quốc gia có đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam.
Về giải pháp, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Võ Anh Tài cho rằng, cần sớm triển khai cụ thể giải pháp, kế hoạch quảng bá tiếp thị quốc tế quy mô lớn, cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó tiêu biểu là Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Ngành du lịch cần sớm có kế hoạch quảng bá tiếp thị cụ thể hàng năm cho từng thị trường, phù hợp thế mạnh du lịch Việt Nam; sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội có tính tương tác cao, tốc độ lan tỏa sâu rộng nhằm triển khai các chương trình quảng bá tiếp thị tập trung. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các tổ chức truyền thông quốc tế, các nhân vật nổi tiếng quốc tế trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tham gia các chương trình famtrip, presstrip theo thị trường, theo đối tượng du khách, trực quan sinh động tại Việt Nam, đặc biệt trải nghiệm các tuyến điểm du lịch mà Việt Nam muốn tạo điểm nhấn khác biệt trong năm 2023.