Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hội thảo Kết nối công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng 2023 góp phần hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước và ngoài nước.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế

Sáng 12/9, tại TP. Đà Nẵng diễn ra Hội thảo Kết nối công nghiệp hỗ trợ. Đây là một trong những hoạt động chính tại Hội chợ Triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Đà Nẵng năm 2023.

Hội thảo Kết nối công nghiệp hỗ trợ tìm kiếm cái giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Ảnh: Đại diện Sumsung Việt Nam chia sẻ về dự án hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy thông minh)

Hội thảo Kết nối công nghiệp hỗ trợ tìm kiếm cái giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Ảnh: Đại diện Sumsung Việt Nam chia sẻ về dự án hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy thông minh)

Thông tin tại Hội thảo, ông Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho biết công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam hiện đóng góp khoảng 16% GDP. Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2022, Việt Nam có khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, 88% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dù là ngành có nhiều tiềm năng và được chú trọng phát triển, tuy nhiên, theo ông Hào, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp, tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài; số doanh nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ còn ít, trình độ hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới sản xuất. Trình độ nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự kiên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chưa phong phú, chất lượng chưa cao; nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các doanh nghiệp FDI….

Ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Tổng hội cơ khí Việt Nam cho rằng công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế

Ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Tổng hội cơ khí Việt Nam cho rằng công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế

Còn theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, còn nhiều hạn chế trong hệ thống chính sách và pháp luật phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Hiện chưa có một Luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp nói chung và các phân ngành công nghiệp nói riêng còn nhiều yếu kém; các chính sách định hướng và hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp không phát huy được nhiều hiệu quả; tổ chức bộ máy phát triển công nghiệp chưa hiệu quả.

Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ còn có những hạn chế chung của ngành công nghiệp cả nước đó là nội lực của nền công nghiệp còn yếu; công nghiệp Việt Nam còn mất cân đối, phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài; phát triển công nghiệp chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế.

Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết Bộ Công Thương sẽ sẽ nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng để thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nói riêng

Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết Bộ Công Thương sẽ sẽ nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng để thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nói riêng

Cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và giá trị xuất khẩu chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu này, theo đại diện Tổng hội cơ khí Việt Nam trước hết cần phải hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. “Cần rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với thực tiễn như cơ khí, ô tô, dệt may, da giày, điện tử; nghiên cứu chiến lược hỗ trợ xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.

Bên cạnh đó, bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định 68 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia. Ngoài ra, phát triển và bảo vệ thị trường nội địa; nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; phát triển công nghiệp hạ nguồn….

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kiến nghị cần rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với thực tiễn

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kiến nghị cần rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với thực tiễn

Ở góc độ thực tế phát triển tại địa phương, ông Võ Ngọc Nghĩa - Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết sự phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trong thời gian qua đạt kết quả tích cực nhờ các chính sách phát triển công nghiệp đúng đắn, mà tại Quảng Nam là sự ra đời và phát triển của Khu Kinh tế mở Chu Lai và các khu cụm công nghiệp. Bên cạnh đó tỉnh liên tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giúp thu hút dự án FDI và dự án trong nước. Ngoài ra, chính sách phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã tạo cho Quảng Nam có lợi thế lớn về kết nối với các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đề xuất nghiên cứu xây dựng, tạo lập Cụm liên kết ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ miền Trung.

Theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, để phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng để thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực phù hợp để tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; nâng cao vị trí, vai trò và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp tại địa phương; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; tập trung thúc đẩy phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp đất nước; Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp, thúc đẩy khoa học – công nghệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguôn để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tim-giai-phap-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-271778.html