Tìm giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức

Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Do đó, việc có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả tạo trợ lực giúp DN vượt thách thức đang trở thành vấn đề cấp bách hiện nay.

Các DN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Ảnh minh họa: S.T

Các DN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Ảnh minh họa: S.T

Nhiều khó khăn “bủa vây” doanh nghiệp

Chia sẻ tại Diễn đàn DN 2025 với chủ đề “Trợ lực cho DN vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, hiện nay, kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại - công nghệ, bảo hộ thương mại gia tăng, khiến giá cả hàng hóa, lạm phát tăng trở lại, dòng chảy thương mại có nguy cơ gián đoạn, đứt gãy khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Ở trong nước, số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I/2025 đạt 6,93%. Tính chung quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy vậy, theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy chỉ 32% DN cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Điều đó cho thấy, cộng đồng DN nói chung vẫn còn quan ngại về những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.

Bên cạnh những tác động từ tình hình thế giới, theo ông Phòng, các DN cũng còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Mặt khác, hệ thống pháp luật vẫn còn chồng chéo, môi trường kinh doanh còn trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà dễ gây thêm chi phí và tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của cộng đồng DN.

Chia sẻ về những khó khăn từ góc độ ngành hàng, ông Bạch Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - cho biết, các DN trong ngành dệt may hiện phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu đơn hàng, chuyển dịch chuỗi cung ứng khi các nhà nhập khẩu lớn từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, do chi phí thấp và chính sách hỗ trợ tốt hơn.

Cùng với đó, việc gia tăng rào cản thương mại sẽ gây sức ép lớn lên năng lực cạnh tranh của DN. Đồng thời, các nhà bán lẻ quốc tế hiện yêu cầu nghiêm ngặt hơn về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận xanh, giảm thải carbon… cũng đòi hỏi DN phải có sự thay đổi kịp thời để đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu.

Diễn đàn DN 2025 với chủ đề “Trợ lực cho DN vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh” do Tạp chí Diễn đàn DN, VCCI tổ chức chiều 17/4. Ảnh: D.T

Diễn đàn DN 2025 với chủ đề “Trợ lực cho DN vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh” do Tạp chí Diễn đàn DN, VCCI tổ chức chiều 17/4. Ảnh: D.T

Doanh nghiệp cần tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập

Ý kiến của các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn cho biết, thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều định hướng, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ DN phục hồi, hướng tới bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Trong đó phải kể đến việc thực hiện hiệu quả hai chủ trương rất lớn là đột phá về thể chế và tinh gọn tổ chức bộ máy; cùng với đó là các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Đặc biệt, theo ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương, từ góc độ thực tiễn hoạt động của DN thời gian qua cho thấy các DN đã có nhiều cơ hội, lợi thế từ việc Việt Nam đã ký kết, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Cụ thể, trong 3 năm gần đây, Việt Nam liên tục nằm trong top 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 12,5% mỗi năm. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc 786 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vượt 405 tỷ USD, thặng dư thương mại gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Theo Báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2024, Việt Nam đứng thứ 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Đóng góp vào kết quả trên, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA như EU, Canada và các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều ghi nhận tăng trưởng tích cực. Ví dụ, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3%; kim ngạch xuất khẩu sang Canada đạt khoảng 7,5 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2023.

“Các FTA không chỉ giúp đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, mà còn tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao từ các đối tác lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…; tạo cơ hội để DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Minh Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, theo ông Anh, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA của DN Việt Nam mới đạt khoảng 37% trong năm 2024, do DN còn thiếu thông tin về các FTA, cũng như DN còn gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động… theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu để có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước có FTA.

Từ thực tế đó, để các DN có thể tận dụng tốt hơn những cơ hội, lợi thế do các FTA mang lại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, ông Trịnh Minh Anh khuyến nghị DN cần chủ động cập nhật, tận dụng tốt Cổng thông tin FTA của Bộ Công Thương để tra cứu biểu thuế, quy định và hướng dẫn thực thi FTA; cập nhật thông tin cảnh báo sớm về các vụ việc phòng vệ thương mại từ cơ quan chức năng.

Cùng với đó, DN cũng cần nghiên cứu kỹ các quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật và các cam kết phi thương mại (lao động, môi trường, phát triển bền vững) trong từng FTA, để nắm bắt thông tin và cách thức tận dụng ưu đãi.

Đặc biệt, DN cần tối ưu hóa quy tắc xuất xứ, đảm bảo sản phẩm đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, như tỷ lệ nội địa hóa hoặc xuất xứ thuần túy theo quy định của từng FTA; liên kết với nhà cung cấp trong nước hoặc nhà cung cấp trong khu vực FTA để tăng tỷ lệ nguyên liệu nội khối, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu ngoài khu vực, từ đó tăng khả năng thụ hưởng ưu đãi thuế. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm dựa vào sự đầu tư về công nghệ, đổi mới mẫu mã và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường FTA (như tiêu chuẩn xanh của thị trường EU).

Đưa thêm khuyến nghị cho DN liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - lưu ý, các DN cần thực hiện quyết liệt tái cơ cấu cả về chiến lược, cơ cấu tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng về tài sản, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay. Đặc biệt, DN cần lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực khai thác được lợi thế so sánh của DN, đồng thời tập trung đầu tư để nâng cấp công nghệ lõi, đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến…

Cùng với những nỗ lực của DN, theo các chuyên gia, để tạo môi trường thuận lợi cho DN hoạt động, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, cần tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước./.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tim-giai-phap-tro-luc-cho-doanh-nghiep-vuot-thach-thuc-39611.html