Tìm hướng gỡ vướng mắc trong khai thác cát biển ở miền Tây

Ban QLDA Mỹ Thuận cùng với các nhà thầu đã xác định phạm vi có thể sử dụng cát biển qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau thuộc dự án Hậu Giang – Cà Mau là 6 triệu m3.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận trình bày về nhu cầu khai thác cát biển.

Chiều 11/6, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban QLDA Mỹ Thuận, Bộ GTVT) về việc tháo gỡ các vướng mắc và thủ tục cấp quyền khai thác mỏ cát biển tại Sóc Trăng phục vụ dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.

Trình bày với Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, cho biết đơn vị này được Bộ GTVT giao nhiệm vụ triển khai thi công thí điểm mở rộng cát biển tại Dự án cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau trên cơ sở kết quả thí điểm tại ĐT978 tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau. Ban QLDA Mỹ Thuận đã cùng với nhà thầu thi công dự án làm việc với UBND các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh để được hỗ trợ khảo sát và triển khai các thủ tục cấp quyền khai thác mỏ cát biển theo cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, trình bày với lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng về nhu cầu khai thác cát biển. Ảnh: Duy Khang.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, trình bày với lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng về nhu cầu khai thác cát biển. Ảnh: Duy Khang.

Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành khảo sát, hoàn thiện hồ sơ đăng ký khu vực, trữ lượng khai thác các mỏ cát biển theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng và trình UBND tỉnh này vào giữa tháng 5/2024 tại Trung tâm phục vụ hành chính công.

Đối với phạm vi sử dụng, Ban QLDA Mỹ Thuận cùng với các nhà thầu đã xác định phạm vi có thể sử dụng cát biển (qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) thuộc dự án Hậu Giang – Cà Mau với nhu cầu khối lượng cát biển sử dụng khoảng 6 triệu m3 và báo cáo UBND tỉnh Sóc Trăng vào cuối tháng 3/2024. Bộ GTVT cũng đã có văn bản xác nhận khối lượng cát biển cần cho dự án khoảng 6 triệu m3 là phù hợp và vị trí các mỏ cát mà nhà thầu xin khai thác không nằm trong luồng hàng hải.

“Như vậy, các thủ tục đăng ký cấp quyền khai thác đến nay Ban QLDA Mỹ Thuận và nhà thầu đã hoàn thiện đầy đủ theo quy định tại Nghị quyết 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội, đủ điều kiện để UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét, cấp Bản xác nhận cho nhà thầu để tổ chức khai thác phục vụ thi công dự án”, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận trình bày.

Theo Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận Trần Văn Thi, về thẩm quyền cấp phép khai thác cho thấy tại Khoản 2, Điều 82 Luật Khoáng sản 2010 quy định “UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường”. Tuy nhiên, thủ tục giao khu vực biển (nằm ngoài 6 hải lý) thì văn bản số 548/BHĐVN-QLKTB ngày 17/5/2024 của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) khẳng định việc giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT và thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP. Từ đó, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận rất muốn UBND tỉnh Sóc Trăng tìm hướng tháo gỡ khó khăn để sớm cấp “Bản xác nhận” cho các nhà thầu khai thác cát biển phục vụ thi công dự án trong tháng 5/2024.

Đáp lời lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận, ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, nói rằng địa phương rất quan tâm đến việc khai thác cát biển theo cơ chế đặc thù để phục vụ dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Từ đó, đơn vị này đã đã tham mưu cho UBND tỉnh Sóc Trăng trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về việc khai thác mỏ cát biển.

Theo ông Ngô Thái Chân, Luật Khoáng sản cho phép UBND tỉnh cấp phép khai thác cát biển làm vật liệu thông thường. Tuy nhiên, Nghị định hướng dẫn Luật Biển thì UBND tỉnh chỉ được phép cho khai thác cát biển trong phạm vi 6 hải lý. Phạm vi ngoài 6 hải lý thuộc thẩm quyền của Trung ương.

Trước những vướng mắc liên quan đến Nghị định số 11/2021/NĐ-CP (quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển), lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường làm văn bản gửi Bộ TN&MT để xin ý kiến về việc tỉnh này có được cấp phép khai thác cát biển phạm vi trong và ngoài 6 hải lý hay không. Nếu Trung ương cho phép, tỉnh Sóc Trăng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu khai thác mỏ cát biển để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nêu tính pháp lý trong việc khai thác cát biển. Ảnh: Duy Khang.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nêu tính pháp lý trong việc khai thác cát biển. Ảnh: Duy Khang.

Mới đây, ngày 5/6, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3908 gửi Bộ trưởng Bộ TN&MT, GTVT, Công Thương và UBND tỉnh Sóc Trăng về việc truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà liên quan đến vật liệu san lấpcho các giao thông trọng điểm phía Nam có nêu: “Giao Bộ trưởng Bộ TN&MT giải quyết dứt điểm kiến nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng tại văn bản nêu trên (văn bản số 1553 ngày 25/5/2024 về khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc quản lý, cấp phép khai thác cát biển phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội); đồng thời tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lập phương án và điều phối nguồn vật liệu xây dựng cho từng dự án, đáp ứng tiến độ thi công theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại thông báo số 225/TB-VBPCP ngày 16/5/2024”.

Liên quan đến cát biển, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết địa phương đã gửi văn bản đến 27 tỉnh, thành về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển tỉnh phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc khai thác cát biển đang vướng một số văn bản và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP nên tỉnh không đủ thẩm quyền cấp phép khai thác cát biển ngoài phạm vi 6 hải lý theo Luật Biển.

“Nghị định 11 ghi rất rõ, việc khai thác cát biển ngoài phạm vi 6 hải lý thuộc quyền quản lý của Bộ TN&MT. Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng chưa giao khu vực biển cho tỉnh nên chúng tôi không thể cấp bản xác nhận khai thác cát biển cho nhà thầu. Tỉnh không phải sợ trách nhiệm nhưng về cơ sở pháp lý, Trung ương chưa cho phép thì tỉnh chưa dám làm. Kiến nghị của Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu thì tỉnh sẽ xin ý kiến của Bộ TN&MT”, ông Trần Văn Lâu chia sẻ.

Duy Khang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/tim-huong-go-vuong-mac-trong-khai-thac-cat-bien-o-mien-tay-c2a75900.html