Tìm kiếm thị trường mới cho mật ong Việt
Việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam mà cũng gián tiếp gây khó cho các nhà nhập khẩu Mỹ.
Việc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra và ban hành kết luận sơ bộ mật ong của Việt Nam đang bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ với biên độ hơn 410% đang khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu và người nuôi ong ở Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh việc đàm phán, kiến nghị DOC xem xét lại mức thuế áp chống bán phá giá hợp lý, các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong cũng như chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai xúc tiến tìm kiếm thị trường mới nhằm phát triển bền vững ngành nuôi ong.
Nguy cơ mất thị trường chủ đạo
Sản lượng sản phẩm mật ong Việt Nam hàng năm khoảng 64.000 tấn, xuất khẩu đạt 54.000 tấn; trong đó, thị trường Hoa Kỳ là 51.000 tấn, chiếm 95% tổng số lượng xuất khẩu. Hiện Việt Nam có khoảng 28 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong. Đắk Lắk có 2 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong là Công ty cổ phần Ong mật Đắk Lắk và Công ty cổ phần Ong mật Ban Mê Thuột hàng năm xuất khẩu đạt xấp xỉ 20.000 tấn.
Sản phẩm mật ong của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là mật lá được làm nguyên liệu chủ yếu trong ngành công nghiệp thực phẩm. Việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam mà cũng gián tiếp gây ra khó khăn cho các nhà nhập khẩu mật ong tại Mỹ do thiếu nguồn cung nguyên liệu cho chế biến.
Công ty cổ phần Ong mật Đắk Lắk là doanh nghiệp xuất khẩu mật ong vào thị trường Hoa Kỳ lớn nhất của cả nước. Hàng năm, công ty thu mua, chế biến và xuất khẩu vào thị trường này hàng chục nghìn tấn mật ong đem về doanh thu hàng trăm tỷ đồng, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, thu nhập ổn định cho người nuôi ong.
Ông Lê Thành Vân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ong mật Đắk Lắk, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam cho biết, thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 95% sản lượng xuất khẩu của mật ong Việt Nam. Nguyên do hàng năm Hoa Kỳ nhập khẩu một lượng rất lớn sản phẩm mật ong, chiếm 1/3 thị trường của thế giới. Cùng đó, thị hiếu tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ rất thích mùi vị của mật ong Việt Nam.
Các nhà sản xuất, chế biến tại Hoa Kỳ cũng quan tâm, nhập khẩu nhiều mật ong Việt Nam vì giá thành của mật ong Việt Nam rẻ hơn mật ong được sản xuất tại các nước Nam Mỹ, Ấn Độ... Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam và nhà nhập khẩu tại Hoa Kỳ là bạn hàng truyền thống, làm ăn với nhau đã hơn 30 năm nên rất hiểu nhau.
Hàng năm phía nhà nhập khẩu Hoa Kỳ chỉ tìm đến các bạn hàng Việt Nam để nhập cho đủ lượng hàng tiêu thụ, nếu không đủ thì họ mới tìm đến các đối tác ở nước khác. Vì vậy, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp mức thuế chống bán phá giá với biên độ lên đến hơn 410% khiến các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong vào Mỹ rất “sốc”.
Theo ông Lê Thành Vân, đây là cách áp thuế rất phi lý và bất công. Việc DOC lấy sản phẩm có giá trị thay thế là mật ong Ấn Độ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Công ty và luật sư đại diện thì sản phẩm này lại được Ấn Độ nhập khẩu về để chế biến, sau đó xuất khẩu chứ không phải sản xuất trong nước. Theo đạo luật 1930 Luật chống bán phá gia của Hoa Kỳ thì như vậy có vấn đề, không đúng với giá trị thực tế.
Thời điểm DOC áp mức thuế rơi vào giai đoạn mùa mật cũng đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như bị tạm dừng. Bởi xuất khẩu mật ong Việt Nam chủ yếu vào thị trường Hoa Kỳ và muốn tìm kiếm thị trường mới thay thế cũng không thể thực hiện được ngay. Tuy đang vào mùa khai thác nhưng công ty cũng mới chỉ mua vào một lượng mật rất nhỏ về chế biến để phục vụ bán ở thị trường nội địa và một số thị trường nhỏ lẻ khác.
Ước tính, việc Hoa Kỳ áp thuế bán phá giá đối với mật ong Việt Nam sẽ tác động trực tiếp đến 35.000 người nuôi ong; trong đó, có 10.000 người nuôi ong chuyên nghiệp với 1,5 triệu đàn ong (Đắk Lắk có khoảng 300.000 đàn ong).
Với việc áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc trước mắt ngành ong mật phải ngừng sản xuất vì mất đi thị trường chủ đạo; tác động trực tiếp và gián tiếp đến nghề nuôi ong, ảnh hưởng đế công tác an sinh xã hội và môi trường, đặc biệt ảnh hưởng đến sự thụ phấn cây trồng của con ong làm giảm năng suất cây trồng…
Mùa mật năm nay, gia đình ông Đinh Quang Khang (đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Buôn Ma Thuột) mang gần 6.000 đàn ong đi làm mật ở các vùng hoa trong cả nước. Đã gắn bó với nghề nuôi ong gần 35 năm, trải qua không ít thăng trầm nhưng ông không khỏi lo lắng việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá rất cao lên sản phẩm mật ong của Việt Nam.
Ông Khang chia sẻ, doanh nghiệp đã khó khăn, nhưng người nuôi ong lại càng khó khăn hơn. Người nuôi ong sản xuất mật ong theo mùa vụ, khi quay mật ra được doanh nghiệp thu mua để chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên doanh nghiệp hiện nay thu mua rất cầm chừng khiến lượng mật tồn trong dân rất lớn. Không tiêu thụ được mật thì người dân không có vốn để tái đầu tư sản xuất, trả nợ các khoản đã vay của công ty, ngân hàng.
Mùa ong đã bắt đầu thu hoạch mật rộ, nhưng lượng thu mua của các công ty để phục vụ xuất khẩu rất ít. Giá mật bán ra thấp hơn nhiều so với mọi năm, chỉ dao động ở mức 23.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư (vật tư ong, di chuyển đàn, nhân công) liên tục tăng làm cho người nuôi ong khó chồng thêm khó - ông Khang cho biết.
Tháo gỡ khó khăn
Ngay sau khi xảy ra vụ kiện, tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản báo cáo khó khăn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu mật ong trên địa bàn và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mật ong trong việc khiếu nại DOC áp mức thuế suất chống bán phá giá đối với doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam; trong đó có doanh nghiệp Đắk Lắk.
Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ những chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, thúc đẩy tiêu thụ trong nước; xúc tiến việc mở rộng các thị trường xuất khẩu khác để giảm dần tỷ trọng xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, sau khi ban hành kết luận sơ bộ, DOC tiếp tục thẩm tra, xác minh số liệu và làm việc với các bên liên quan để đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 4/2022.
Đắk Lắk có hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc trong vụ việc điều tra của DOC là Công ty cổ phần Ong mật Đắk Lắk và Công ty cổ phần Ong mật Ban Mê Thuột đang tiếp tục làm việc, cung cấp số liệu thông tin cho các công ty luật tại Hoa Kỳ để đưa ra luận điểm bác bỏ phán quyết của DOC đối với mức thuế chống bán phá giá được DOC đưa ra.
Theo ông Lê Thành Vân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ong mật Đắk Lắk (bị đơn bắt buộc vụ kiện), hiện Hiệp hội nhập khẩu mật ong Hoa Kỳ cũng đã có đơn gửi DOC xem xét lại việc tính thuế cho mật ong Việt Nam, bởi đây là vấn đề ngoài sức tưởng tượng của họ và họ cũng cho là vấn đề phi lý. Khi mà DOC đánh thuế cao như vậy thì họ cũng mất nguồn thu rất lớn từ nhập khẩu mật ong Việt Nam. Vì mật ong Việt Nam nhiều năm liền đứng đầu trong các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Công ty cũng hy vọng trong đợt xem xét cuối cùng vào ngày 7/4/2022, DOC sẽ xem xét và tính lại mức thuế áp chống bán phá gia với mật ong Việt Nam. “Được biết, Hạ Viện Mỹ cũng đã có văn bản chỉ đạo DOC tính toán lại mức thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam” - ông Vân thông tin thêm.
Để ổn định đầu ra cho sản phẩm mật ong, tránh phụ thuộc vào một thị trường, hiện Sở Công Thương Đắk Lắk đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nội địa, đưa sản phẩm mật ong của các công ty kinh doanh, xuất khẩu mật ong trên địa bàn tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại; đồng thời phát động chương trình chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mật ong của Đắk Lắk đến các địa phương trên cả nước; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu mật ong tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chương trình xúc tiến thương mại địa phương để mở rộng, phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Thông qua hệ thống các thương vụ, tham tán thương mại, các đại sứ quán tại các nước trên thế giới, sản phẩm mật ong Việt Nam được giới thiệu ra thị trường quốc tế; tìm kiếm thị trường, tận dụng lợi thế các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh - Bắc Ai len (UKVFTA)... để chuyển đổi thị trường xuất khẩu, giảm bớt tỷ trọng xuất khẩu mật ong sang thị trường Hoa Kỳ.
Đại diện Công ty cổ phần Ong mật Đắk Lắk cho biết, thời gian tới, công ty cũng sẽ làm việc với các các cơ quan hữu quan để xúc tiến việc mở rộng thị trường, nhất là việc đưa sản phẩm mật ong vào các thị trường như EU, Trung Đông. Để phòng trường hợp khi DOC không xem xét tính thuế lại mức thuế chống bán phá giá cho mật ong Việt Nam.
Mặt khác, công ty cũng khuyến cáo với người nuôi ong thay đổi quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm mật ong chất lượng tốt hơn nữa để đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường mới, khó tính nhưng rất tiềm năng như EU. Cùng đó, công ty cũng tăng cường việc mở rộng tiêu thụ ở thị trường nội địa, bởi việc nâng tỷ lệ tiêu thụ nội địa cũng là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giải quyết khó khăn cho ngành sản xuất mật ong./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tim-kiem-thi-truong-moi-cho-mat-ong-viet/238629.html