Tìm lời giải cho 'bài toán' tiêu dùng trong mùa mua sắm cuối năm

Ngoài việc tiếp tục các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng thì 'bài toán' đang đặt ra cho các doanh nghiệp nội địa trong mùa mua sắm cuối năm nay là làm thế nào để thỏa mãn được nhu cầu của các nhóm người tiêu dùng đang có sự phân hóa ngày càng mạnh giữa biến động của thị trường.

Để tạo niềm tin thị trường cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp (DN) trong mùa mua sắm cuối năm, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, cho biết thời gian tới sẽ tập trung tối đa cho chương trình khuyến mãi tập trung lần 2 - 2023 vào cuối năm nay. Nhất là tận dụng tối đa các cơ hội như Black Friday, các dịp lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán để phát động chương trình khuyến mãi, công bố sớm với đầy đủ thông tin để DN tham gia…

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp kích cầu mua sắm

Theo ông Phương, với chương trình khuyến mãi tập trung trong thời gian qua đã có sự tham gia của hơn 3.000 DN với khoảng 7.000 chương trình (không tính các chương trình khuyến mãi thông thường, được thực hiện thường xuyên). Trong đó, khoảng 30% chương trình có hạn mức khuyến mãi vượt 50%, nhất là các nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm, văn phòng phẩm…Thông qua các hoạt động hưởng ứng chương trình đã giúp cải thiện đáng kể doanh thu cho nhiều DN.

Đang có sự phân hóa mạnh giữa những nhóm người tiêu dùng, đòi hỏi các DN cần cân đối danh mục sản phẩm phù hợp để kinh doanh hiệu quả trong mùa mua sắm cuối năm.

Đang có sự phân hóa mạnh giữa những nhóm người tiêu dùng, đòi hỏi các DN cần cân đối danh mục sản phẩm phù hợp để kinh doanh hiệu quả trong mùa mua sắm cuối năm.

Hay như ở tỉnh Đồng Nai, một kế hoạch của ngành công thương được triển khai từ cuối tháng 9 đến tháng 10/2023 nhằm tăng cường vận động người Việt dùng hàng Việt. Nhất là giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của DN trong nước. Từ đó tạo sự chuyển biến trong lựa chọn, mua sắm hàng hóa cho nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, tỉnh này sẽ tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn trong tháng 11/2023 nhằm hỗ trợ DN giới thiệu và tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Hoặc như tại Hà Nội, thời gian tới sẽ tiếp tục có một loạt chương trình khuyến mãi, chuỗi sự kiện nhằm tạo cơ hội cho các DN kích cầu mua sắm. Đơn cử như vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2023 sẽ diễn ra sự kiện “1.000 điểm khuyến mãi - Rộn ràng ưu đãi” tại 1.000 điểm đăng ký bán hàng khuyến mại thuộc các hệ thống sản xuất, kinh doanh, phân phối thương mại, dịch vụ, chuỗi cửa hàng, siêu thị, website thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội.

Có thể nói các hoạt động nhằm kích cầu tiêu dùng, vận động người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt là rất cần thiết trong mùa mua sắm cuối năm này. Nhất là trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động thì việc tìm kiếm đầu ra của các DN nội địa là cả “bài toán” đầy trăn trở, từ việc làm sao để tăng sức mua, giảm giá bán, khuyến mãi đậm nhằm giữ thị phần, rồi làm thế nào trước những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng mới…

Riêng về hành vi mua sắm trong dịp cuối năm nay, bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, cho biết một vài điểm đáng chú ý. Đó là người tiêu dùng sẽ ưu tiên những sản phẩm có ứng dụng cao, xu hướng cao cấp hóa sẽ chậm lại trong thời gian tới, sự tiện lợi chiếm ưu thế trong việc lựa chọn kênh mua sắm.

Theo bà Nga, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn thì người tiêu dùng Việt sẽ đánh giá lại mức độ quan trọng và có xu hướng ưu tiên những ngành hàng mang lại giá trị trong cuộc sống hàng ngày của họ. Cho nên, việc giữ được mối liên kết và giá trị sản phẩm là vô cùng quan trọng để thu hút người mua trong dịp Tết 2024 sắp tới. Những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, tiêu dùng nhanh (FMCG) có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo sát nhịp thay đổi của người mua

Trong khi đó, mặc dù người tiêu dùng trong nước có vẻ lạc quan hơn về tình hình tài chính kinh tế trong 12 tháng tới và cho dịp Tết 2024, thế nhưng dấu hiệu của việc nới lỏng chi tiêu vẫn chưa thật sự rõ rệt. Như lưu ý phía Kantar Việt Nam, người tiêu dùng có thể sẽ không cắt chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng dịp Tết, tuy nhiên, họ sẽ có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mãi hơn.

Ngoài ra, những trải nghiệm mua sắm mới nhờ sự phát triển của công nghệ như thương mại điện tử hoặc có tính tiện lợi cao như siêu thị nhỏ, được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong dịp Tết sắp tới. Không những vậy, người tiêu dùng sẽ ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị hơn, tiện lợi hơn, thay vì chỉ tập trung vào một lựa chọn nhất định.

Chia sẻ tại hội thảo bàn về cơ hội kinh doanh cuối năm giữa biến động thị trường do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 4/10, vị giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar Việt Nam nhấn mạnh đang có sự phân hóa rất lớn giữa các nhóm người tiêu dùng sau tác động của đại dịch Covid-19. Cho nên, bài toán đặt ra cho các DN trong thời điểm hiện nay là làm thế nào để thỏa mãn được nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau.

“Vì vậy các DN cần cân đối danh mục sản phẩm của công ty mình như thế nào để có thể vẫn có những sản phẩm thu hút người tiêu dùng tốt hơn, để cho người mua chi nhiều tiền hơn cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe, có giá trị cao, có tính cá nhân hóa cao hơn. Ngoài ra, rất cần tiếp tục các hoạt động kích cầu và có những sản phẩm để duy trì được nhóm người tiêu dùng đang gặp khó khăn về tài chính, để từ đó tiếp tục giữ chân nhóm người tiêu dùng này trở thành khách hàng trung thành trong tương lai”, bà Nga nói.

Cũng nên nhắc đến kết quả khảo sát mới nhất của Kantar Việt Nam, theo đó, người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập nên xu hướng tiêu dùng thay đổi nhiều. Có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch chỉ trên dưới 21%). Gần 1/2 số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí.

Trước những dữ liệu như vậy rất cần các DN phải theo sát nhịp thay đổi của người mua vốn đang thắt chặt chi tiêu và thay đổi thứ tự các yếu tố quan tâm khi mua sắm. Cần chú ý, một khi người tiêu dùng càng cân nhắc kỹ hơn trong lựa chọn mua sắm thì áp lực cạnh tranh giữa các DN có cùng ngành hàng sẽ càng tăng cao.

Song song đó, để đáp ứng nhu cầu mua sắm linh hoạt của người tiêu dùng trong mùa cao điểm cuối năm thì các DN cũng nên lựa chọn chiến lược đa kênh phân phối như thế nào cho hiệu quả.

Trước thách thức về sức mua do cú sốc liên quan đến thu nhập của người tiêu dùng, đang đòi hỏi các DN Việt xem trọng nhiều về yếu tố giá thành sản xuất và giá cả đầu ra. DN nên xem đây là giai đoạn tăng trưởng lớn cho các mặt hàng nội địa với giá thành thấp hơn hàng hóa nhập khẩu để vừa giữ được thị phần và vừa tái tạo kênh phân phối nhằm có thể mở rộng thị phần trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tim-loi-giai-cho-bai-toan-tieu-dung-trong-mua-mua-sam-cuoi-nam-1095769.html