Tìm lời giải nâng cao chất lượng tăng trưởng

Dự kiến ngày 19/9, sẽ diễn ra Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023, với chủ đề 'Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững'. Diễn đàn là hoạt động thường niên của Quốc hội, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đồng chủ trì tổ chức.

Trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại bền bỉ, đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Ảnh: TL

Trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại bền bỉ, đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Ảnh: TL

Áp lực lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đồng thời cũng là năm thứ hai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức. Trong nước, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp rất nhiều khó khăn với hầu hết các động lực tăng trưởng suy giảm… Những điều này gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 cũng như giai đoạn 2021 - 2025.

Vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 là rất cần thiết nhằm đánh giá toàn diện tình hình thế giới và trong nước, đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, tìm kiếm các giải pháp, chính sách để tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực, kiến tạo động lực, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

Chia sẻ trước thềm diễn đàn, đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, đánh giá nửa nhiệm kỳ qua có lẽ là một giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 20 năm trở lại đây. Mặc dù nhìn vào các con số, kết quả đạt được, thì những khó khăn này không được thể hiện rõ, bởi với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, nhiều khó khăn đã được vượt qua, giảm nhẹ.

Bên cạnh những con số đáng khích lệ, dù không đồng đều, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng nêu một điểm ấn tượng nữa là từ giai đoạn khó khăn vừa qua, cách thức điều hành đã có sự thay đổi rất tích cực. Trong đó, phải nhắc đến sự hành động quyết liệt, phối hợp kịp thời giữa các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đã đồng tâm, hiệp lực tháo gỡ những khó khăn với rất nhiều các cách thức chưa từng có tiền lệ.

Hóa giải những điểm tắc nghẽn, nghịch lý trong nền kinh tế

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá trong bối cảnh phức tạp mơ hồ, khó khăn liên tiếp, nền kinh tế vẫn đạt kết quả tích cực, đáng tự hào. Dù tiềm lực chưa mạnh, chúng ta vẫn giữ được ổn định xã hội, ổn định vĩ mô và đặc biệt kiểm soát lạm phát rất tốt trong bối cảnh “cơn bão” lạm phát hoành hành trên thế giới.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Bích Lâm cũng nhận định, suốt 10 năm qua, tăng trưởng của Việt Nam phần lớn dựa vào vốn, dù đã có bước cải thiện về chất lượng. Chất lượng tăng trưởng, dù có Covid-19 hay không, vẫn dựa trên 50% vào vốn, lao động. Đặc biệt, năm 2021 khi dịch bệnh bùng phát, yếu tố vốn đóng góp tới trên 111% vào tăng trưởng.

Đầu tư công vốn được coi là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, song hệ số Icor đánh giá hiệu quả vốn đầu tư của Việt Nam chưa tốt. Trong khi chỉ số này năm 2018, 2019 khoảng 5,7 - 5,76 thì đến năm 2020 - 2021 lên đến trên 14 - 15. Hệ số cao cho thấy chất lượng tăng trưởng giảm sút, đòi hỏi thời gian tới rất cần quan tâm hơn vào chất lượng tăng trưởng, đặc biệt là năng suất lao động.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nước ta ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác thường. Qua 3 năm đại dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng nhìn chung là tích cực. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn thì có hai vấn đề lớn đặt ra. Thứ nhất, động lực tăng trưởng của nền kinh tế có xu hướng suy giảm liên tục. Thứ hai, là có nhiều nghịch lý trong phát triển kinh tế.

Đơn cử như doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Mặc dù chi phí vốn cùng với nhiều chi phí khác ở mức cao so với các nền kinh tế khác, nhưng doanh nghiệp vẫn tồn tại bền bỉ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, xu thế phát triển doanh nghiệp chậm lại và khó khăn hơn trong thời gian gần đây phản ánh một tình thế mới, chưa từng thấy trong gần 40 năm đổi mới của Việt Nam.

Hay một nghịch lý khác là nền kinh tế "khát vốn" nhưng không hấp thụ được vốn. Giải ngân đầu tư công chậm, tăng trưởng tín dụng thấp, trong khi nền kinh tế "khát vốn", nhiều doanh nghiệp “đói vốn”. “Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển” - ông Trần Đình Thiên nhận định.

Tất cả những vấn đề này, cùng với nhiều khía cạnh khác của quá trình phát triển kinh tế sẽ được phân tích, mổ xẻ tại các phiên thảo luận của diễn đàn, để từ đó tìm ra các giải pháp, chính sách khơi thông nguồn lực, hóa giải các điểm nghẽn, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững, thực chất.

Tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, bất cập của nền kinh tế đủ để khẳng định chính tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới tình trạng chất lượng tăng trưởng kinh tế bị suy yếu, nền kinh tế dễ tổn thương.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tim-loi-giai-nang-cao-chat-luong-tang-truong-135916.html